xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trực tuyến tọa đàm “Doanh nghiệp TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo”

Nhóm Phóng viên

(NLĐO) - Nhờ liên tục đổi mới và sáng tạo, TP HCM giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ dẫn đầu cả nước.

8 giờ sáng nay (12-10), 50 đại biểu là chủ doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và một số sở - ngành của TP HCM đã có mặt tại khách sạn Rex (quận 1, TP HCM) cùng trao đổi các nội dung tọa đàm "Doanh nghiệp  TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo" do Báo Người Lao Động tổ chức.

Đổi mới - sáng tạo là phẩm chất truyền thống của TP HCM, từ quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo cho tới tinh thần của người dân, trong đó có đội ngũ doanh nhân.

Trực tuyến tọa đàm “Doanh nghiệp  TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo” - Ảnh 1.

Các khách mời, doanh nghiệp trò chuyện với nhau trước khi diễn ra tọa đàm “Doanh nghiệp TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo”. Ảnh: Hoàng Triều

Có được vị thế như ngày hôm nay là nhờ trong hàng chục năm qua, lãnh đạo thành phố luôn quyết tâm đổi mới, con người - trong đó có đội ngũ doanh nhân - luôn năng động và sáng tạo. Những yếu tố đó làm cho TP HCM trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ; đóng góp trung bình hằng năm hơn 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong thành quả đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng doanh nghiệp đông đảo bậc nhất đất nước với hơn 350.000 công ty. Tâm huyết, sức lao động và trí tuệ mà đội ngũ doanh nhân đã đóng góp cho thành phố rất xứng đáng được khen ngợi, đồng thời cần có thêm nhiều chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả hơn nữa.

Trực tuyến tọa đàm “Doanh nghiệp  TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo” - Ảnh 3.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tặng hoa cho các nhà tài trợ buổi tọa đàm

Diễn ra trong sáng 12-10, tọa đàm tập trung trao đổi 2 nhóm vấn đề chính, gồm: Những thay đổi mạnh mẽ nhận thức về đổi mới - sáng tạo; Thực trạng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và ứng dụng CNTT vào đổi mới - sáng tạo để phát triển, hội nhập cùng những vấn đề trong thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.

Trực tuyến tọa đàm “Doanh nghiệp  TP HCM cần thêm động lực đổi mới, sáng tạo” - Ảnh 4.

Các khách mời và diễn giả tham dự tọa đàm

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: ông Huỳnh Kim Tước (CEO Saigon Innovation Hub), ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, CEO P.A.T Consulting); ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM; bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM (YBA); ông Lê Hải Bình (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam); ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty VNG; ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Yeah1; ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs cùng một số doanh nghiệp.

Tiêu điểm sự kiện

    12:13 ngày 12/10/2018

    Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM:

    TP đã có rất nhiều chương trình, chính sách, động lực đổi mới sáng tạo. Đã có rồi nhưng phải có thêm các động lực thay đổi. Có người nói là chính sách, đất đai, vốn, công nghệ, nguồn nhân lực...

    Với 5 chương trình hỗ trợ cho DN về nghiên cứu, phát triển (R&D), sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, có chuyên gia, tư vấn đưa ra xu hướng trên thế giới... cho DN đổi mới. Có chương trình nâng cao năng suất, chất lượng hội nhập; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, bảo vệ trí tuệ... Nhưng tất cả chưa tới được với DN nhiều lắm và cần có chính sách hỗ trợ đến được với DN nhiều hơn.

    Mặc dù chương trình đổi mới sáng tạo còn non trẻ nhưng động lực phải từ DN. Động lực là lợi nhuận mà muốn có động lực thì phải đổi mới. DN có thể tiếp cận với chúng tôi để nhận được hỗ trợ.

    Chúng tôi cũng đã tổ chức 16 cuộc thi khác nhau để chọn ra những ý tưởng. Không phải chỉ đổi mới sáng tạo trong DN mà cả sở ngành, quận huyện cũng phải có các chương trình.

     

    12:13 ngày 12/10/2018

    Anh Ngô Thanh Tùng, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn

    Tôi vừa đi thăm một trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Mỹ. Việt Nam từng có trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng làm sao để đẩy mạnh?

    Do đó, nên có những diễn đàn kêu gọi, DN nào có đủ sáng tạo, đủ đổi mới, có sân chơi... tham gia để từ đó đưa con người sáng tạo và có kết quả tốt đẹp hơn.

     

    12:13 ngày 12/10/2018

    8 vấn đề chính yếu được đúc kết sau toạ đàm

    Kết thúc buổi toạ đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã đúc kết 8 vấn đề lớn mà các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã rất tâm huyết.

    Thứ nhất, đổi mới sáng tạo là nhu cầu cần thiết và cấp thiết nhưng đổi mới sáng tạo như thế nào là điều DN trăn trở.

    Thứ hai, chính sách của nhà nước như thế nào, vai trò của bà đỡ cho DN đổi mới, sáng tạo.

    Thứ ba, DN phải dám dấn thân, chấp nhận thách thức và có tính kỷ luật cao.

    Thứ tư, khả năng tiếp cận công nghệ cao của nguồn nhân lực, một trong những yếu tố quyết định thành công cho DN.

    Thứ năm, muốn đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp thành công, TP cần phải xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp

    Thứ sáu, DN, trường ĐH, viện nghiên cứu và các quỹ đầu tư mạo hiểm cần phối hợp và liên kết với nhau.

    Thứ bảy, vai trò của các cơ quan truyền thông trong đổi mới sáng tạo, đi trước và đi cùng hỗ trợ để DN bước ra thế giới cách sáng tạo, thành công.

    Cuối cùng, Báo Người Lao Động xin là một nhịp cầu trong hoạt động đổi mới, sáng tạo của DN TP.

    11:56 ngày 12/10/2018

    Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun

    Tính chất sống còn của đổi mới sáng tạo nằm ở nhiều khía cạnh từ quản trị điều hành, kế hoạch kinh doanh. Không DN nào không nhận ra nhưng động lực bên trong, yếu tố nội tại là một vấn đề. Động lực bên ngoài cũng rất cần thiết cho DN.

    43692016_283186248959978_4869245294383988736_n

    Ông Trương Đình Quý 

    Từ năm 2008-2009, Vinasun đã nghiên cứu ứng dụng CNTT vào hoạt động quản trị và hoạt động kinh doanh của mình nhưng lúc đó cơ sở hạ tầng thời điểm đó rất yếu, mạng chập chờn, chi phí cao. Đến giai đoạn 2012-2014, hạ tầng kỹ thuật đã tốt hơn và chúng tôi cũng nghiên cứu đưa công nghệ vào quản lý.

    Với taxi, có những điều kiện kinh doanh rất ngặt nghèo từ hộp đen, nhận diện tài xế..., nhưng đến giờ Vinasun cũng đã đáp ứng yêu cầu tính toán chuyến đi, giá cả, tích hợp các yếu tố đồng hồ tính tiền, thẻ nhận dạng tài xế... Ứng dụng này đã được hoạt động khá tốt, cả trí tuệ nhân tạo, Big Data.... Và trong khía cạnh chung như vậy, chúng tôi thấy rằng bản thân các DN Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng hệ thống phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

    Nhưng cái khó nhất là những rào cản, điều kiện kinh doanh (13 điều kiện). Trong phạm vi 3 năm, với số lượng xe của Vinasun khoảng 5.000 chiếc thì nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỉ đồng nhưng Grab cũng thời gian đó nộp ngân sách 12,3 tỉ đồng.

    Trong điều kiện như vậy, rào cản chính sách, các DN cần có thời gian, không cần sự bảo trợ của nhà nước mà cần bình đẳng. Cần bình đẳng về cách chơi tại sân chơi Việt Nam.

    Cụ thể, TP HCM, các sở ban ngành cần nghiên cứu cách thức DN nước ngoài triển khai ở Việt Nam, vì các tập đoàn đa quốc gia họ có tài chính mạnh, linh hoạt sử dụng tài chính nên khi họ vào thị trường Việt Nam, các DN trong nước không chống đỡ nổi.

    Grab vốn điều lệ đăng ký hơn 20 tỉ đồng và lỗ 2.000 tỉ đồng.

    Trong điều kiện không bình đẳng, DN nước ngoài dùng sân chơi, cách chơi để "tiêu diệt" DN Việt. Do đó, cần phải bình đẳng về cách chơi tại sân chơi Việt Nam giữa DN trong nước và DN Việt Nam.

    Chúng ta khuyến khích khởi nghiệp, động viên khởi nghiệp nhưng xin đừng để xảy ra tình trạng các DN Việt Nam không có điều kiện để lớn.

    Ở các nước, họ đều có chính sách hỗ trợ DN nội địa, như Trung Quốc có Alibaba, Digi.. Nhật, Mỹ cũng có nhiều quy định bảo hộ các sản phẩm may mặc thông qua các chính sách chống bán phá giá, độc quyền để tạo ra sự công bằng.

    Đổi mới, sáng tạo được dẫn dắt bởi chính DN. Điều kiện môi trường bình đẳng, đặt trong bối cảnh kiên quyết xử lý cả DN nước ngoài nếu vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

     

    11:51 ngày 12/10/2018

    Hi vọng Việt Nam sẽ là cường quốc Blockchain

    Ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs:

    Blockchain trong thời gian qua là thuật ngữ khá hot nhưng chưa nhiều người hiểu được. 30 năm trước, khi internet ra đời, mọi người cũng thắc mắc những câu hỏi tương tự như với blockchain bây giờ.

    43706303_845252422532491_2583802873020153856_n

    Ông Đỗ Văn Long 

    Trên thế giới, nguyên thủ các nước như Nhật, Canada, Úc, Mỹ... đều mời chuyên gia hàng đầu tư vấn về blockchain. Họ chi 30% chi phí nghiên cứu, phát triển cho blockchain. 10 tập đoàn lớn trên thế giới cũng đang đầu tư vào blockchain. Còn Việt Nam tiếp cận như nào? Vẫn không nhiều người biết đến thuật ngữ này.

    Thực ra, blockchain chỉ là giao thức cải tiến nền tảng của internet. Tuy nhiên, giá trị chuyển tải trên internet không cao bởi không phải ai cũng đưa thông tin lên được, dẫn tới không rõ ràng minh bạch, nhiều trái chiều. Blockchain ra đời giúp minh bạch hoá thông tin. Bitcoin hay các đồng tiền mã hoá là một trong số phương thức.

    Tại Việt Nam, chúng tôi đã khởi động dự án gần 3 năm trước với hi vọng năm 2020 có thể là quốc gia cường quốc blockchain. Chúng tôi đã tới các trường đại học và chia sẻ blockchain là gì. Đầu năm 2018, Việt Nam tổ chức sự kiện lớn nhất thế giới là Viẹtnam Blockchain Week để chia sẻ về công nghệ này.

    Thực tế, chúng tôi đã áp dụng blockchain trong truy suất nguồn gốc nông sản Việt Nam với hi vọng giá trị xuất khẩu tăng. Chúng tôi đã trình bày xoài blockchain với toàn bộ quy trình từ lúc trồng trọt, thu hoạch, phân phối... đều minh bạch thông tin. Ngoài ra, chúng tôi cũng thành công khi áp dụng công nghệ cao với sản phẩm hữu cơ, nhất là với các sản phẩm đặc thù của Việt Nam. Việt Nam tuy chưa đi quá sâu nhưng hi vọng năm 2019, có nhiều sản phẩm cần blockchain hỗ trợ như: TP thông minh, chuỗi cung ứng...

    11:31 ngày 12/10/2018

    Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Máy và sản phẩm Thép Việt

    Với DN ngành sản xuất như chúng tôi, bức tranh đổi mới công nghệ không dễ, động lực cho đổi mới rất khó.

    Trước đây, sau khi đưa lên nhiều bài toán về đầu tư, đổi mới công nghệ... cuối cùng tôi phải bỏ dù đã bỏ ra không ít tiền để nghiên cứu. Phải đến gần đây, chúng tôi nghiên cứu phần mềm cho cơ khí thì mới áp dụng được.

     

    11:24 ngày 12/10/2018

    Ông Lê Hải Bình: "Tôi chia sẻ thông tin thú vị là ở Việt Nam có khá nhiều công ty truyền thông nhưng sự thay đổi chưa thực sự mạnh. Trong khi đó, Công ty Yeah1 của anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống làm rất khác. Tháng 6 vừa qua, báo chí đăng nhiều về công ty truyền thông đầu tiên niêm yết sàn chứng khoán với giá cao ngất ngưởng. Anh chọn cách làm như nào để một công ty có giá trị tới 400 triệu USD? Làm sao IPO được?"

    43717922_2083235188389331_6197063347662225408_n
    Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống lý giải về cách thức truyền thông và tận dụng Inernet vào hoạt động của Công ty Yeah1

    Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho biết giá cổ phiếu Yeah1 hiện tại vẫn cao nhất trên sàn. "Về chính sách, tôi không múa rìu qua mắt thợ nhưng muốn chia sẻ thêm. Đầu tiên, toạ đàm hôm nay có chủ đề "Cần thêm động lực để đổi mới, sáng tạo". Những tiêu đề đó chúng tôi không có. Cái chúng tôi làm là đột phá đổi mới và bùng nổ sáng tạo! Cách chúng tôi vận hành dựa trên nền tảng công nghệ sâu sắc với 80% internet. Tận dụng sự bùng nổ của công nghệ 4.0 để bán sản phẩm ra toàn thế giới. Mỗi tháng chúng tôi có 5 tỉ view. Cơ hội của công nghệ, internet mang lại rất lớn. Khai thác công nghệ tạo giá trị cực kỳ lớn, mở cơ hội ra thế giới. Cách nhìn của chúng tôi là phải đi ra ngoài, đi bán công ty mình, tạo giá trị với nhà đầu tư. Đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) bán thị trường Việt Nam không thể có giá đó. Phải lưu ý internet, nó giải quyết bài toàn 7-8 tỉ người chứ không phải thị tường 100 triệu dân như chúng ta" - ông Tống lý giải.

     

    11:06 ngày 12/10/2018

    Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty VNG

    43951216_2283134051729018_1815087195430584320_n
     

    Công nghệ đang thay đổi liên tục, DN cần người để thích ứng và cả đổi mới kỹ thuật. Có thách thức lớn mà VNG đang phải đối đầu là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. VNG cũng có chương trình dành cho các bạn sinh viên mới ra trường, thông qua chuyển giao chính thức công nghệ từ những người đi trước.

    VNG có thể nói rằng trình độ của các kỹ sư Việt Nam sau khi được cọ xát, đào tạo cũng ngang ngửa các nước, kích thích sự đam mê, sáng tạo của các bạn thông qua đề án cụ thể...

    Tuy nhiên, làm sao biết được DN đổi mới đúng hay sai? Điểm mạnh của VNG là nuôi dưỡng niềm đam mê trong quá trình tạo ra sản phẩm, đơn giải quy trình, thủ tục.

    Theo nghiên cứu của VNG, những nhân sự nổi bật họ thích nhìn thấy thành quả của họ trong quá trình làm việc, làm sao tạo văn hoá để nhân viên đóng góp hết mình. Trong công nghệ, có điểm quan trọng là không chỉ giao tiếp giữa người với người mà cả với các thiết bị, làm sao để nhân viên của VNG có kinh nghiệm và có thể giao tiếp được.

    10:59 ngày 12/10/2018

    Ngành hải quan: Chuyển từ quản lý sang phục vụ

    Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Giám sát Quản lý Cục Hải quan TP HCM:

    43635897_245394702988157_4560486825688301568_n
     

    Tôi làm việc rất lâu trong ngành hải quan nên thấy rằng trước đây chúng ta thường đặt nhiệm vụ quản lý lên nhưng nay đã khác. Chúng tôi đặt nhiệm vụ phục vụ DN lên trên hết. Bộ Tài chính cũng đánh giá ngành hải quan đổi mới nhanh nhất về vấn đề công nghệ thông tin.

    Vấn đề cần đặt ra là thay đổi về mặt thể chế, tức đưa ra cơ chế, chính sách, quản lý... sao cho hài hoà. Khó khăn trong xây dựng thể chế của ngành hải quan là phải thực hiện nhiều quy định của nhiều bộ, ngành khác. Đáng mừng là hiện đã có chuyển biến về việc các bộ ngành thực hiện theo cơ chế một cửa, tình trạng "một mâm cơm 3-4 bộ kiểm soát" đã thay đổi.

    Riêng ngành hải quan, chương trình hải quan tự động trước đây chỉ là khía cạnh rất nhỏ. Chúng tôi cố gắng ngày 30-11 này phải thực hiện được hệ thống giám sát tự động, giảm thiểu được nhiều vấn đề trong thông quan hàng hoá, từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Sắp tới, không có nhân viên hải quan kiểm soát mà hàng hoá ra vào cảng sẽ làm trên hệ thống tự động hết.

    Chính vì vậy, cán bộ hải quan chúng tôi cũng phải có sự thay đổi. Không thay đổi sẽ chết. Trước nhân viên hải quan chỉ đóng dấu, không biết gì về máy tính, không thao tác được trên máy. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã ra bộ đề đánh giá năng lực và chúng tôi cũng xây dựng ngân hàng đề kiểm tra năng lực của anh em.

    Muốn cải cách thì vấn đề còn nằm ở ý thức tuân thủ pháp luật nữa. Ở Nhật, họ không phân biệt tổ chức hay cá nhân, DN lớn hay nhỏ mà quan trọng là ý thức, độ tuân thủ pháp luật. Với vai trò của cơ quan quản lý, tôi muốn đặt vấn đề hài hoà giữa DN và cơ quan quản lý. Nếu DN yêu cầu được tạo điều kiện thuận lợi thì vấn đề tuân thủ quy định của DN cũng phải được đặt ra.

     

    10:51 ngày 12/10/2018

    Chúng ta cần áp lực để thay đổi!

    Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam​:

    43698385_352341018836582_5796576888763711488_n
     

    Trên thế giới, nhóm 10 công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất đều ở lĩnh vực công nghệ. Còn ở Việt Nam, nhóm 10 DN lớn nhất là thuộc nhóm ngành bất động sản, ngân hàng...

    Chúng ta không cần động lực để thay đổi mà phải là áp lực để thay đổi. Công nghệ đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng ở Việt Nam, chúng ta gặp rất nhiều rào cản không hẳn là kỹ thuật, giải pháp mà là con người.

    Rất nhiều DN nói rằng khi họ thay đổi về công nghệ lại gặp khó khăn từ phía nhân lực, con người.

    Trong khi đó, các DN ở nước ngoài vào Việt Nam họ nói rằng nguồn nhân lực của chúng ta rất thông minh, nhạy bén nhưng các DN trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh thu hút về nguồn nhân lực.

    10:43 ngày 12/10/2018

    Mong muốn DN và công đoàn cùng đồng hành phát triển

    Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao Động TP HCM:

    43758067_259347844780197_3710193471286411264_n
     

    Mong các DN hãy nhìn công đoàn ở một góc khác, là một phân khúc thị trường với khoảng 1,4 triệu khách hàng và gia đình của họ. Nếu tính cả lực lượng lao động của TP HCM hiện nay là khoảng 4,5 triệu người. Chúng tôi mong muốn DN và tổ chức công đoàn cùng đồng hành phát triển.

    Khi nhận công việc ở Liên đoàn Lao động TP HCM, tôi thấy lực lượng này chưa được khai thác tương xứng. Công nhân, người lao động không được quan tâm với tư cách một khách hàng của DN. Công đoàn cũng chưa có một cơ chế hữu hiệu để có thể tạo ra lợi ích cho lực lượng này. Trong khi đó, công đoàn đang nắm trong tay nguồn lực về tài chính rất lớn.

    Nhân toạ đàm hôm nay, chúng tôi muốn đặt hàng Báo Người Lao Động, làm sao để DN, ngân hàng có thể tư vấn cho Công đoàn cách sử dụng tiền để mang lại lợi ích tốt hơn. Với 100 tỉ đồng trong tay, Công đoàn có thể tặng cho công nhân phiếu quà tặng 100.000 đồng và họ dùng hết. Nhưng cũng với số tiền này, nếu kết nối với tổ chức tín dụng sẽ tạo giá trị, lâu dài hơn. Đây là điều chúng tôi đang suy nghĩ.

    Chúng tôi biết công nhân có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ, giải trí nhưng đang bị hạn chế, vậy tổ chức công đoàn có thể làm gì cho họ?

    Từ câu chuyện 4.0, xu hướng chuyển từ lao động chính thức, hợp đồng dài hạn sang không hợp đồng, hợp đồng thời vụ như Grab, vậy ai bảo vệ cho họ? Vừa rồi xảy ra những xung đột giữa xe ôm truyền thống với GrabBike thì ai giải quyết?

    Chúng tôi đang xây dựng ứng dụng, nhiều chương trình phục vụ công nhân nhưng không nhiều người biết, không nhiều DN tham gia... Vậy, bằng dự án kết nối đoàn viên, chúng tôi mong muốn tạo ra môi trường kết nối hữu hiệu nhất, kết nối, triển khai các chương trình của tổ chức công đoàn với DN. Khi đó, khách hàng hay đoàn viên công nhân của chúng tôi có thể sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hoá.

    Hãy xem tổ chức công đoàn là đối tác tin cậy, đối tác tiềm năng trong sự nghiệp, quá trình đổi mới sáng tạo

     

    10:20 ngày 12/10/2018

    Chính sách vĩ mô phải tạo động lực cho DN

    Ông Đỗ Thanh Năm, chuyên gia quản trị:

    do thanh nam
     

    Chính sách vĩ mô phải tạo cho DN thấy có động lực. Chúng ta đang bị rào cản rất lớn về mặt tâm lý để thực hiện mục tiêu này. Ví dụ, công nghệ 4.0 ở Singapore ứng dụng vào quản lý hệ thống cấp điện rất tốt nhưng về Việt Nam hiệu quả lại không cao. Nguyên nhân là do họ có môi trường tốt.

    Công nghệ đem lại đột phá lớn. Chúng ta phải tạo môi trường thế nào để họ chấp nhận rủi ro, sáng tạo về công nghệ.

    Tôi lấy ví dụ con hào Cần Giờ có giá trị rất cao và chúng ta chỉ nghĩ làm sao đưa vào Co.opmart bán được giá tốt. Nhưng New Zealand chiết xuất thành thuốc tăng cường sinh lý cho đàn ông. Rồi có nước biến vỏ sò thành hạt nhựa. Như thế là nhiều công nghệ giải quyết được "bài toán con hàu".

    Từ ví dụ đó thấy rằng nhà nước có chính sách như thế nào để DN phát triển và bản thân DN có môi trường như thế nào để nhân viên có thể sáng tạo? Môi trường thách thức mới tạo được động lực.

     

    10:05 ngày 12/10/2018

    Doanh nghiệp phải tự tạo điều kiện cho mình

    Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người Lao Động

    43773394_251369912247589_2607855514511474688_n
     

    Ở Israel, họ có cơ quan hỗ trợ DN, trong đó có bộ phận chuyên thẩm định DN và quan tâm tới vị trí, vai trò của người phụ nữ trong đổi mới sáng tạo. Sau khi thẩm định rõ ràng, nhà nước sẽ đầu tư và nếu DN làm ăn thua lỗ thất bại thì nhà nước chịu, với điều kiện thua lỗ thất bại đó phải hợp lý, chứ không phải dùng tiền hỗ trợ vào việc khác. Ngược lại, nếu DN làm ăn có hiệu quả thì sẽ gửi lại một phần chi phí cho nhà nước, rất rõ ràng.

    Người Israel họ xác định rõ, để khởi nghiệp thành công là rất khó khăn, nên cần nhà nước làm bà đỡ hỗ trợ. Nhưng hỗ trợ như thế nào là cả vấn đề. Theo tôi, ngoài yếu tố chính sách thì bản thân DN muốn thành công phải tự tạo điều kiện cho mình chứ không trông chờ vào nhà nước. Và điều kiện tốt nhất là sự gặp nhau giữa chính sách và sự nỗ lực của DN, cả 2 bên phải đồng hành, tiệm cận với nhau để tạo ra sự đột phá.

    10:00 ngày 12/10/2018

    Thay đổi nhận thức là động lực cho DN trẻ

    Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ TP HCM

    Đầu tư cho DN start-up (khởi nghiệp), DN trẻ cần 2 hướng. Một là nhận thức của chính DN về lợi thế cạnh tranh của mình và hai là chính sách của Chính phủ.

    Theo tôi nhận thấy, chính sách hiện nay còn chưa đầy đủ, thiếu khá nhiều khung pháp lý cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Các hoạt động tạo động lực để DN sử dụng nền tảng đổi mới sáng tạo còn thiếu.

    Câu chuyện nguồn nhân lực ở đâu cho sự phát triển này là thách thức mà TP phải đối mặt. Chính con người tạo nên nền tảng đó. Nói đến các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ phải nói đến đoạn thay đổi nhận thức của thị trường, nhận thức là rào cản khiến DN trẻ, khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.

    Tóm lại, cần động lực về mặt chính sách, con người và nhận thức của cả hệ sinh thái. Làm được thì mọi người đều muốn tham gia. "Bánh xe" tiến về phía trước là gì? Có "bơm xăng" cho nó tiến về phía trước hay không? Đó là do con người.

    09:51 ngày 12/10/2018

    Doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về công nghệ

    Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM

    Mục tiêu của TP HCM cũng là sự thay đổi, chuyển đổi DN từ mô hình cũ sang mô hình mới, ứng dụng 4.0. Các chuyên gia, công ty công nghệ cũng đang có những chương trình hay, hỗ trợ miễn phí cho các DN. Điều này là rất cần thiết vì thực tế hiện nay nhiều DN vẫn đang loay hoay với công nghệ 4.0, nhất là khu vực DN vừa và nhỏ.

    43823185_178861582992359_995411498945740800_n

     

    Do đó, chương trình của báo Người Lao Động rất hay khi thu hút nhiều chuyên gia, DN và chúng tôi mong muốn có thêm nhiều DN khác có mặt để chia sẻ, trao đổi và có thêm kinh nghiệm.

    Cách đây khoảng 1 tuần, một số DN xuất nhập khẩu trong ngành nhựa đã bị hacker chuyển tiền qua đối tác khác, không nhận được tiền hàng. Thậm chí đối tác phải áp dụng cách là gọi điện, nhắn tin rồi mới chuyển tiền nhưng điều này có vẻ lạc hậu trong xu hướng công nghệ. Khi đó, thiệt hại sẽ dành cho các DN xuất khẩu của Việt Nam, khi người mua, nhà nhập khẩu không muốn tiếp tục làm việc.

    Do đó, cộng đồng DN mong muốn có những chương trình hỗ trợ áp dụng về công nghệ để đưa vào thực tiễn, giúp DN thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động kinh doanh.

    09:48 ngày 12/10/2018

    Cá nhanh nuốt cá chậm!

    Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, CEO P.A.T Consulting, đánh giá vai trò và sự tác động rất lớn của công nghệ đối với mô hình kinh doanh mới hiện nay.

    phi anh tuan
     

    Theo ông Tuấn, nếu mạng xã hội trước đây chủ yếu liên quan đến cá nhân thì hiện nay, với sự xuất hiện của thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng liên quan mật thiết đến hành vi của DN. Sự hình thành hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội sẽ thay đổi hình thức kinh doanh cũ. Kinh doanh truyền thống không còn là thế mạnh nữa. "Mạng xã hội không chỉ còn để cho các bạn trẻ chơi nữa. Ví dụ, chỉ cần xuất hiện một fanpage bình luận về con mèo với màu sắc nào đó, sẽ là quyết định cho DN làm cái túi xách màu gì, không phải thông qua tìm hiểu thị trường" - ông Tuấn nói.

    Cũng theo ông Tuấn, thiết bị di động thông minh với tốc độ phát triển nhanh khủng khiếp, nhiều ứng dụng được xây dựng trên đó để tăng giá trị gia tăng cho DN cũng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, với khả năng lan toả mạnh mẽ của mạng xã hội, DN chỉ cần làm và nói sai một chút cũng gây tác động rất lớn. Do đó, mô hình kinh doanh và hành vi ứng xử của DN cũng phải đổi khác rất nhiều so với trước đây.

    Thứ ba, kinh tế chia sẻ là một xu thế và có thể có mặt ở khắp mọi nơi.

    Ông Tuấn nhấn mạnh yếu tố sáng tạo sẽ đẩy mạnh cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai. "Tôi muốn nhắc lại đổi mới hay là chết? Trước đây, tư duy là "cá lớn nuốt cá bé", nay là "cá nhanh nuốt cá chậm". Không nhanh là chết.

    09:26 ngày 12/10/2018

    Có bao nhiêu thương hiệu của Việt Nam có tư tưởng đi ra nước ngoài?

    43788586_586158915120787_2780417907371278336_n
    Ông Huỳnh Kim Tước nói về các DN Việt rất ít có tư tưởng đưa thương hiệu ra nước ngoài

    Chính phủ Malaysia nói rằng DN vừa và nhỏ của nước họ có điểm xuất phát không cũng như DN TP HCM nhưng họ có chính sách, DN nội địa nào muốn đi ra nước ngoài sẽ tài trợ tiền, chương trình đào tạo trong 6 tháng để thay đổi tư duy.

    Đây là những câu chuyện DN phải suy nghĩ, không chỉ là tồn tại ở nước ngoài mà ngay cả DN ngồi trên sân nhà thì DN nước ngoài cũng đã có mặt. Chỉ ngồi trên sân nhà, DN đến thì chúng ta cũng chết!

    Ở Thái Lan, tôi nghe họ đã đăng ký phở của Việt Nam, còn nước mắm Phú Quốc có xuất xứ từ Thái Lan cũng bình thường. Điều gì sẽ xảy ra? Liệu những DN của TP có tự tin trong 3-5 năm nữa sẽ thay đổi như thế nào, có cần thay đổi không, làm gì để thay đổi?

    Bánh cuốn, cũng là bánh cuốn mà một DN Việt thu hút được vài chục triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài, vậy chúng ta có biến những thương hiệu Việt khác trở nên nổi tiếng và hút được vốn ngoại? Có hàng ngàn DN rất tiềm năng, nếu xét về lý thuyết khởi nghiệp thì DN đã có sản phẩm trên thị trường. Vậy DN yếu ở đâu? mô hình kinh doanh, thương hiệu hay kêu gọi đầu tư...?

    Thực tế, có những nhà đầu tư rất thích phát triển các hệ thống chuỗi, và có rất nhiều thương hiệu đang chờ được rót vốn.

    Đã đến lúc DN cần thay đổi

    Một chiếc điện thoại Iphone 7 32Gb, giá linh kiện là 219,8 USD, giá lắp ráp 5 USD, giá bán 649 USD. Vậy bạn chọn tốc độ nào, kinh tế gia công, dịch vụ thương mại hay là sáng tạo?

    Khi phân tích 23 nền kinh tế EU, toàn bộ thu từ ngành ô tô là 168 tỉ USD, nền công nghiệp nặng khoảng 180 tỉ USD nhưng nền kinh tế sáng tạo khoảng hơn 200 tỉ USD. Người ta nghĩ ra các sản phẩm mới và bán giải pháp đó.

    Cuối tháng 11, đầu 12 ở Phần Lan có một show về phiên chợ giải pháp sáng tạo lớn nhất thế giới, và DN có thể mua giải pháp công nghệ về để ứng dụng vào hoạt động của mình.

    TP phải là một cái hub (nơi hội tụ) của thương mại, tài chính. Và trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta sẽ nhận 5 USD từ chiếc điện thoại hay 500 USD. Đã đến lúc DN cần thay đổi và DN cần gì?

    09:21 ngày 12/10/2018

    Nhiều nghề nghiệp sẽ biến mất hay sẽ tự động hoá hoàn toàn!

    Ông Huỳnh Kim Tước:

    Adidas đã hình thành chuỗi nhà máy may, làm giày ở Đức không có một người công nhân nào hết. Tôi có thể làm tất cả công đoạn tự động, và bao nhiêu lao động phổ thông sẽ mất việc trong tương lai ở TP?

    Nếu mọi người có dịp vào siêu thị ở Mỹ, ăn cơm theo công nghệ 3D.

    Và trong tương lai, sẽ mở ra những ngành nghề mới. DN cần chuẩn bị tâm thế để thích nghi, thay đổi chưa, trong khi thế giới đi quá nhanh thì chúng ta vẫn đang rất bình tĩnh...

    Trở lại câu chuyện, ở khu vực trung tâm TP có hàng loạt bảng hiệu nước ngoài nhưng không phải những ông lớn, tập đoàn đa quốc gia như Coca - Cola.., mà trà sữa, đồ ăn, thức uống của nước ngoài. Ngược lại, có bao nhiêu thương hiệu Việt Nam đưa ra nước ngoài?

     

    09:06 ngày 12/10/2018

    Doanh nghiệp TP HCM cần thêm động lực đổi mới sáng tạo

    Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub, cho biết tiêu chí hàng đầu của DN là đưa DN mình phát triển và hiệu quả. Làm sao tạo động lực, giải pháp giúp DN kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn?

    43665173_288303405120153_165419389800153088_n
    Ông Huỳnh Kim Tước 

    Tôi muốn chia sẻ một chút về đổi mới, sáng tạo,

    Đổi mới, sáng tạo, thực chất là sự thay đổi. Và áp lực hiện nay cần phải thay đổi liên tục hơn nữa.

    Hiện có rất nhiều DN ứng dụng, lựa chọn xu hướng phù hợp thị trường.

    Có những tập đoàn rất quen tên nhưng giờ không còn nữa, chẳng hạn như Nokia. 10-15 năm trước, Nokia có khoảng 20.000 nhà nghiên cứu, có hàng trăm tỉ USD... nhưng vì sao Nokia thất bại? Một trong những nguyên nhân là cách tiếp cận sai và giảm đi, thiếu đi sự sáng tạo.

    Hay Kodak, nhiều năm trước có phim chụp hình đã là rất quý nhưng sự thay đổi công nghệ số làm họ "chết" khi không kịp nắm bắt xu hướng công nghệ.

    Hiện trên thế giới, 5 đại gia công nghệ đều là những DN mới xuất hiện gần đây như Facebook, Google... là những công ty, tập đoàn dựa trên nắm bắt công nghệ mới. Samsung cũng vậy. 30-40 năm trước, tập đoàn này là "học trò" của Toshiba, Sony, Sharp. Những chỉ có một giai đoạn họ không chỉ thay đổi và chính những tập đoàn của Nhật này lại gặp khó khăn.

    Nước Đức, Nhật nổi tiếng là kỷ luật, nguyên tắc, nhưng tại sao không có những tên tuổi lớn từ những quốc gia này. Rõ ràng, những thương hiệu của TP đình đám 20-30 năm trước đến giờ cũng không còn.

    Giờ đây, với sự ra đời của Blockchain, chuyện gì sẽ xảy ra? Cách đây 2 năm, chúng tôi ký hợp tác với một ngân hàng ở Hàn Quốc.

    Với số hoá và công nghệ, các điểm giao dịch của ngân hàng sụt giảm sau khi bùng nổ của xu hướng các kênh thanh toán mới.

    Với công nghệ mới, nếu DN không có chính sách chạy trước, không chuẩn bị thì sẽ mất cơ hội.

    3-5 năm trước, liệu Vinasun, Mai Linh có nghĩ là sẽ mất thị trường. Ngay sau đó, Grab, Uber ra đời và taxi truyền thống gặp khó. Câu chuyện không phải là mạnh để đi ra ngoài mà mạnh để tồn tại ở thị trường trong nước cũng đã là khó khăn.

    Các nghiên cứu cho thấy hơn 90% giá trị của DN Việt Nam là tài sản hữu hình, chứ không phải vô hình. Trong khi các tập đoàn thế giới giá trị của họ là đội ngũ con người, thương hiệu, R&D...

    Câu chuyện ở đây, có DN nào sáng tạo để nâng tầm DN mình hay chỉ chăm chăm làm ra 10 đồng bán 8 đồng.

    Với xu hướng này, rất nhiều ngành nghề của chúng ta sẽ biến mất trong thời gian gần. Ngồi ở Sài Gòn, nhiều người có thể lấy bằng cử nhân ở Mỹ, khi các trường ĐH đào tạo online.

     

    09:06 ngày 12/10/2018

    Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu khai mạc tọa đàm

    Ngày mai (13-10), chúng ta kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam - là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động. Xin thay mặt báo Người Lao Động trân trọng chúc mừng ngày kỷ niệm lớn, chúc doanh nhân bước vào giai đoạn mới thành công hơn, mỗi doanh nhân không chỉ đem lại hạnh phúc cho bản thân mà còn cho cả xã hội.

    TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Có được vị thế như ngày hôm nay, hàng chục năm qua, lãnh đạo TP luôn quyết tâm đổi mới, con người, trong đó có đội ngũ doanh nhân luôn năng động và sáng tạo. TP được đánh giá là có nhiều sáng kiến phá rào, vượt rào vươn lên. Những yếu tố sáng tạo, thậm chí đôi lúc táo bạo đó, làm cho TP HCM trở thành đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ; đóng góp trung bình hằng năm hơn 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

    43879084_169025287359667_3463415044279107584_n

    Ông Tô Đình Tuân

    Trong thành quả đó có sự đóng góp to lớn của lực lượng doanh nghiệp (DN) đông đảo bậc nhất đất nước với gần 400.000 công ty nhiều loại hình. Tâm huyết, sức lao động và trí tuệ mà đội ngũ doanh nhân rất xứng đáng được khen ngợi, đồng thời cần có thêm nhiều chính sách phù hợp để phát huy hiệu quả hơn nữa.

    Một trong những chính sách đó chính là khơi nguồn đổi mới và sáng tạo, tập trung nhiều vào mảng khoa học và công nghệ. Thời gian qua, TP đã quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động đổi mới - sáng tạo của DN, thể hiện qua việc xây dựng hình thành hàng loạt khu công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ, viện khoa học, vườn ươm sáng tạo… Ngân sách TP chi cho hoạt động đổi mới - sáng tạo của DN chỉ trong 2 năm 2016-2017 đã khoảng 90 triệu USD, tương đương 1,7% tổng chi của TP. Về hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa đổi mới - sáng tạo để nâng cao nặng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế: Đã đào tạo cho gần 4.200 DN, tư vấn cho gần 1.500 DN, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đổi với công nghệ - sản phẩm cho khoảng 180 dự án. Thông qua Chương trình Kích cầu đầu tư, TP đã hỗ trợ DN thực hiện đổi mới công nghệ với 61 dự án, kinh phí hơn 7.500 tỉ đồng… Riêng trong giai đoạn 2016-2018, đã hỗ trợ cho hơn 1.500 cá nhân và nhóm khởi nghiệp sáng tạo…

    Điểm qua một vài con số như vậy để thấy rằng TP đã hết sức nỗ lực, nhưng, trước nhu cầu mới, sự nỗ lực đó vẫn chưa đủ để phát triển. Thực tế, một số nước đang đi rất nhanh. Chúng ta đang đi nhưng đi chậm hơn. Tôi lấy ví dụ Israel là nước bé nhỏ với 22.000 km2 và dân số thua TP HCM nhưng GDP/người cao nhất khu vực. Để làm được điều đó, họ nhấn mạnh yếu tố đổi mới sáng tạo. Đối với họ, sáng tạo là tài nguyên vô giá. Hay như các DN Nhật Bản có quy mô lớn như Sony, Toshiba, họ cũng thường đầu tư kinh phí sáng tạo rất lớn. Như vậy, trong khởi nghiệp sáng tạo thành công không nhiều nhưng phải bản lĩnh và đây không chỉ là nhu cầu ở một nước mà trên toàn cầu.

    Là cơ quan báo chí - truyền thông, Báo Người Lao Động muốn trở thành cầu nối giữa cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước của TP liên quan hoạt động đổi mới - sáng tạo trong việc đi tìm tiếng nói chung, giải pháp chung để biến những nỗ lực đổi mới - sáng tạo thành thành quả cụ thể, hữu hiệu hơn nữa. Đó là lý do để chúng tôi - là cơ quan báo chí đầu tiên - tổ chức tọa đàm về chủ đề này.

     

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo