xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa

Hữu Thân

Không ít nghệ sĩ tên tuổi từng đoạt Giải Mai Vàng trong 25 năm qua, trong đó có người còn, có người đã vĩnh viễn chia xa nhưng dấu ấn một thời vang danh của họ vẫn còn lưu lại trong ký ức Giải Mai Vàng

Một người gắn bó với Giải Mai Vàng từ ngày thành lập cho đến nay như tôi vẫn không thể trả lời chính xác cho câu hỏi: Những nghệ sĩ nổi tiếng nào từng được Giải Mai Vàng trong 25 năm qua? Thời gian trôi đi với nhiều thay đổi, những gì ở Giải Mai Vàng hôm nay cũng có nhiều khác lạ so với Giải Mai Vàng của 20 năm hay 25 năm trước. Nhưng sự lưu danh của những tên tuổi đại thụ của làng văn nghệ Việt Nam ở Giải Mai Vàng khiến cho giải có tầm vóc lớn lao và sức tỏa sáng mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi tự hào về điều đó.

Đủ mặt anh hào

Có lần vài đồng nghiệp và nghệ sĩ trẻ hỏi tôi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có được Giải Mai Vàng lần nào chưa, tôi bảo có nhưng là giải Tiền thân của Mai Vàng, lúc ấy còn mang cái tên khá dài: Giải thưởng "Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm", do Báo Người Lao Động tổ chức từ năm 1991. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tôn vinh ngay năm đầu tiên.

Giải thưởng "Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm" ra đời với mong muốn làm cầu nối giữa văn nghệ sĩ với bạn đọc Báo Người Lao Động (lúc này cũng vừa đổi tên từ Báo Công nhân Giải phóng thành Báo Người Lao Động, trụ sở báo còn đặt tại 44 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM) tạo ra sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tương tác giữa đội ngũ sáng tạo văn hóa nghệ thuật với công chúng thưởng thức, đối tượng phục vụ của Báo Người Lao Động.

Kết quả bình chọn cuối năm được công bố trên báo, không tổ chức lễ trao giải như Giải Mai Vàng sau này.

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 1.

Nhà văn Sơn Nam nhận Giải Mai Vàng lần 5-1999

Lật lại tư liệu mới thấy rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng đã được ghi danh từ năm 1991 đến 1994: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Nguyễn Nam, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nghệ sĩ Thành Lộc, nghệ sĩ Hồng Vân, diễn viên Lê Công Tuấn Anh, diễn viên Thu Hà, diễn viên Lý Hùng, Việt Trinh, đạo diễn Trần Minh Ngọc… có cả họa sĩ Đỗ Quang Em, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ…

Vì là giải thưởng tiền thân nên ít được truyền thông kể đến nhưng đối với những người tổ chức Giải Mai Vàng, đây là giai đoạn hết sức quan trọng để đi đến quyết định phát triển lâu dài giải thưởng với một tên mới là Giải Mai Vàng, từ năm 1995.

Sau này Giải Mai Vàng tiếp tục tôn vinh nhiều tên tuổi khác, khá bất ngờ với nhiều người, nhất là người trẻ: nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Ngọc Tư; nhà thơ Nguyễn Duy, Lê Giang, Chim Trắng, Ly Hoàng Ly…

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin TP HCM Lê Hồng Liêm trao Giải Mai Vàng lần thứ 4 cho nghệ sĩ Thành Lộc và Thanh Thủy

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Minh Triết trao Giải Mai Vàng lần thứ 5 cho nhạc sĩ Trần Tiến, diễn viên Quyền Linh và Hồng Ánh

Sở dĩ có tên các nhà văn, nhà thơ trong Giải Mai Vàng là vì từ năm 2001 trở về trước, giải có hạng mục bầu chọn Nhà văn được yêu thích nhất. Sau này, do văn học khan hiếm tác phẩm mới, công chúng không tham gia đề cử cho hạng mục này nên ban tổ chức quyết định không đưa vào giải. Vì là giải thưởng do công chúng bình chọn nên việc quyết định chọn hạng mục nào hay loại bỏ hạng mục nào của ban tổ chức phụ thuộc vào lượng phiếu đề cử của bạn đọc. Có một số hạng mục dần bị loại bỏ theo thời gian vì không còn được công chúng quan tâm: Nhóm múa, Nhà thiết kế thời trang nhưng cũng có những hạng mục mới bổ sung, vì đang được công chúng quan tâm: Đạo diễn ca nhạc, Nhóm hát, Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng hay Ca sĩ nhí, MV (video ca nhạc) sau này. Vì vậy, Giải Mai Vàng từng ghi danh các nhà thiết kế thời trang; nhóm múa… hay nhà thơ, nhà văn, đạo diễn ca nhạc... như kể trên.

Mai Vàng còn đó, người xưa đi rồi

Có lẽ nhạc sĩ Xuân Hồng là người ra đi sớm nhất, nhận giải năm 1994 thì đến năm 1996, ông ra đi về thế giới bên kia, để lại cho đời nhiều nhạc phẩm nổi tiếng: "Bài ca may áo", "Xuân chiến khu", "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh", "Mùa xuân bên cửa sổ" và bài hát được công chúng là bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn Nhạc sĩ được yêu thích nhất trong năm 1994: "Người mẹ của tôi".

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng ra đi năm 2001. Sau đó, nhà văn Sơn Nam ra đi năm 2008. Ông nhận Giải Mai Vàng 1999 với tác phẩm "Hương rừng Cà Mau" trên sân khấu Công viên Văn hóa Suối Tiên với tâm trạng như "đứa trẻ được quà"!

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp mất năm 2013 (81 tuổi) để lại cho đời nhiều ca khúc nổi tiếng: "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Cô gái vót chông", "Ngọn đèn đứng gác", "Trường Sơn đông - Trường Sơn tây", "Lá đỏ", "Nhớ về Hà Nội", "Trở về dòng sông tuổi thơ" trong đó có ca khúc "Đánh mất" (phổ thơ của Thanh Nguyên), một bản tình ca rất được công chúng yêu thích trong năm 1997, ca khúc này giúp ông nhận được Giải Mai Vàng 1997 - Nhạc sĩ được yêu thích nhất.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng mất năm 2014, sau một giấc ngủ không tỉnh dậy. Nếu tính luôn giải thưởng năm 1993 với tác phẩm "Con mèo Fujita" thì nhà văn Nguyễn Quang Sáng có 2 lần đoạt giải. Giải Mai Vàng cho Nhà văn được yêu thích nhất là tác phẩm "Vểnh râu" năm 1997.

Một trong những nhạc sĩ nhận được Giải Mai Vàng từ rất sớm (năm 1993, khi còn là Giải thưởng "Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm") là nhạc sĩ Nguyễn Nam với ca khúc "Tình ca cho em". Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Nam còn được tôn vinh tại Giải Mai Vàng 2000, với ca khúc "Dịu dàng sắc Xuân". So với các bậc tiền bối kể trên, nhạc sĩ Nguyễn Nam mất khi chưa già, ở tuổi 60 (qua đời năm 2011, do bạo bệnh). Đối với Giải Mai Vàng, nhạc sĩ Nguyễn Nam có công lao đóng góp đặc biệt.

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Nguyễn Nam- Trưởng phòng Ca nhạc Đài Truyền hình TP HCM nhận giải Chương trình truyền hình được yêu thích nhất ,"Thay lời muốn nói", tại lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 15

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 5.

Diễn viên Lê Công Tuấn Anh nhận Giải Mai Vàng lần 1-1995

Có mặt tại Giải Mai Vàng rất sớm nhưng cũng ra đi rất sớm là diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh (mất tháng 10-1996). Giải Mai Vàng lần 1-1995 tôn vinh Lê Công Tuấn Anh - Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất với vai Đại trong phim "Mặt trời đêm". Nhưng trước đó, ở giải thưởng tiền thân Giải Mai Vàng, minh tinh màn bạc tài hoa bạc mệnh này liên tục giành giải Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất trong 2 năm liền (1993 và 1994). Đây là thời kỳ tỏa sáng nhất của Lê Công Tuấn Anh. Cho đến bây giờ, chưa có một nam diễn viên điện ảnh nào có được vị trí trong lòng công chúng lớn như vậy. Tình cảm quý mến của công chúng dành cho anh đến mức nào đã được chứng minh sau khi anh đột ngột qua đời.

Sau này cũng có một nghệ sĩ vừa là diễn viên điện ảnh và là diễn viên sân khấu đột ngột chia tay khán giả khi tài năng đang độ chín muồi đó là Thanh Phương. Năm 2005, Thanh Phương đoạt Giải Mai Vàng, Nam diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất vai Dũng trong phim "Công ty thời trang". Niềm hạnh phúc ấy chưa được hưởng bao lâu thì đầu năm 2006, Thanh Phương ra đi sau một cú đột quỵ lúc đang ăn Tết ở quê nhà.

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 6.

Diễn viên Thanh Phương nhận Giải Mai Vàng lần thứ 11-2005

Người mà tôi không thể không nhắc đến ở bài viết này là đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, công lao của anh đóng góp cho Giải Mai Vàng như thế nào đã được đề cập trong bài viết "Nhớ Huỳnh Phúc Điền" trên Báo Người Lao Động số ra ngày 23-6-2019). Điền được bạn đọc bình chọn là Đạo diễn ca nhạc được yêu thích nhất ngay từ khi hạng mục này đưa vào Giải Mai Vàng, năm 2005, với chương trình "Việt Nam ca hát". Tiếp theo các năm 2007 và 2008, Điền giành giải thưởng hạng mục này với các chương trình: "Live show Đàm Vĩnh Hưng - Thương hoài ngàn năm", "Duyên dáng Việt Nam", "Live show Mỹ Tâm - Sóng đa tần". Chương trình lễ trao Giải Mai Vàng 2008 cũng là chương trình nghệ thuật anh dàn dựng cuối đời, ra đi 6 tháng sau đó, để lại tiếc nuối cho nhiều người, trong đó có Ban Tổ chức Giải Mai Vàng. 

Giải Mai Vàng 25 năm: Lưu dấu ấn người xưa - Ảnh 7.

Đạo diễn Huỳnh Phúc Điền nhận Giải Mai Vàng lần thứ 14-2008 Ảnh: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Đã tắt 2 ngôi sao sân khấu

Điểm danh lại nghệ sĩ lĩnh vực sân khấu của Giải Mai Vàng 25 năm qua, nhận ra không còn NSND Thanh Tòng và nghệ sĩ Mạnh Tràng. NSND Thanh Tòng mất năm 2016 còn Mạnh Tràng vừa mất đầu tháng 1 năm nay (2019), hưởng dương 53 tuổi. NSND Thanh Tòng đoạt 3 Giải Mai Vàng (Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất năm 1998 vai Lý Đạo Thành trong vở "Câu thơ yên ngựa"); Đạo diễn sân khấu được yêu thích nhất năm 1999 và 2002 với chương trình "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ" và vở "Má hồng soi kiếm bạc". Còn Mạnh Tràng, anh đoạt giải Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất của Giải Mai Vàng 2008 bằng vai đúp Ba và Minh trong vở "Hồn ma báo oán" của Sân khấu Kịch Sài Gòn.

13-mạnh-trang

Diễn viên Mạnh Tràng nhận Giải Mai Vàng lần thứ 14-2008 Ảnh: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo