Phương án BOT Cai Lậy: Giảm phí xe con 35.000 xuống 15.000 đồng

03/05/2018 20:03 GMT+7

(NLĐO)- Trong 5 phương án về BOT Cai Lậy được Bộ Giao thông vận tải đề xuất lên Chính phủ có phương án giữ nguyên vị trí trạm hiện tại và giảm mức thu từ 35.000 đồng xuống 15.000 đồng đối với xe con.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2018 vào tối ngày 3-5.

Phương án BOT Cai Lậy: Giảm phí xe con 35.000 xuống 15.000 đồng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 5 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Bộ đã phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, lượng hoá giá trị, thời gian thu phí bao lâu...

"Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các phương án và các phân tích kỹ lưỡng của Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang xem xét xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể và quyết định thời điểm tổ chức thu giá"- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Phương án BOT Cai Lậy: Giảm phí xe con 35.000 xuống 15.000 đồng - Ảnh 2.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên Quốc lộ 1 bị phản đối gay gắt. Ảnh: LÊ PHONG

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết trong 5 phương án được trình thì 2 phương án có nhiều ưu điểm nhất. Cụ thể, pương án thứ nhất là giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu với mức cao, giảm giá từ 35.000 đồng xuống 15.000 đồng đối với xe con.

"Đây được đánh giá là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện tại, vì ít tác động nhất đến việc tổ chức giao thông trong nội đô của thị xã Cai Lậy, ít tác động tiêu cực về ô nhiễm môi trường"- ông Đông khẳng định.

Phương án thứ hai là đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, song song thu phí của hai trạm này, khi hoàn vốn phần tiền cho QL 1 thì dỡ trạm trên QL1, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án.

Theo phân tích của Bộ GTVT, phương án này sẽ phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu giá ở vị trí mới, từ đó chi phí thu sẽ tăng lên, kéo dài thời gian thu phí và ảnh hưởng tới người dân.

Qua so sánh, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá phương án thứ nhất có nhiều ưu điểm hơn.

"Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ thực hiện chỉ đạo, tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra, làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ GTVT sẽ thông báo rộng rãi đến người dân" - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.