Bệ phóng cho sân bay Long Thành

28/03/2018 22:56 GMT+7

Vốn, cách thức thu hút đầu tư và khâu giải phóng mặt bằng dù khó khăn nhưng đã cơ bản được giải quyết

Ngày 28-3, tại TP HCM, Báo Tiền Phong tổ chức hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành". Tại đây, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến việc cần sớm triển khai dự án để giải bài toán quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời thu hút đầu tư quốc tế và các vấn đề bảo đảm dân sinh tại Đồng Nai.

Cấp thiết

Chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) tại tỉnh Đồng Nai đã được Quốc hội thông qua năm 2015. Dự án này có công suất dự kiến 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, chậm nhất năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 336.630 tỉ đồng (tương ứng 16,03 tỉ USD). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Các diễn giả nhận định sau khi hình thành, sân bay Long Thành sẽ là cảng hàng không trung chuyển lớn của Nam Bộ và cả nước, giải tỏa áp lực ách tắc ở sây bay Tân Sơn Nhất nhưng chậm được triển khai. Việc sớm triển khai là mong mỏi chung của địa phương cũng như Chính phủ cùng các ban ngành.

Bệ phóng cho sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Mô hình sân bay Long Thành

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhìn nhận việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ là bước đệm lớn đối với sự phát triển của lĩnh vực hàng không, nhất là theo dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng không cao nhất trong thập kỷ tới. GS-TS Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng hành lang pháp lý cho việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện sân bay Long Thành là vấn đề quan trọng nhất. Hiện 85% khu vực làm sân bay là đất nông nghiệp nên giá trị không quá cao. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết là khung pháp lý sao cho hợp lý, cần thiết xây dựng theo khung riêng để hài hòa lợi ích của dân và nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định vấn đề quan tâm là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết vì người dân đã sống trong tình cảnh "dự án treo" nhiều năm. Khó khăn trước mắt nhưng triển vọng rất tốt về lâu dài nên Chính phủ cần có phương thức năng động hơn để triển khai nhanh.

Thuận lợi trong thu hồi đất

Chuyên gia về hàng không, TS Lương Hoài Nam, cho rằng lâu nay chúng ta vẫn loay hoay với dự án này do chưa rõ mô hình đầu tư. Bởi, mô hình đầu tư là một phần báo cáo khả thi có phương án tài chính. "Quan điểm của tôi là dự án chỉ thực sự bắt đầu khi đã rõ ai sẽ "xuống tiền", với tư cách nào, nhà đầu tư hay tổ chức tín dụng và đầu tư bao nhiêu, khi nào, cho hạng mục nào. Khi rõ như thế thì mới đủ hành lang pháp lý cho dòng tiền chuyển dịch, dự án mới bắt đầu" - ông Nam phân tích.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, nêu thực tế, phần lõi của sân bay là 5.000 ha phải di dời thì có 1.800 ha đất cao su tỉnh cho thuê nên thu hồi sẽ thuận lợi. Khó khăn là bồi thường theo quy định thì phải định giá chứ không dùng bảng giá nhà nước như quy định cũ vì thế các bước tiếp theo cần có cơ chế để thực hiện sớm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Phó quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tổng mức đầu tư dự án rất lớn nhưng Quốc hội đã tách thành 2 phần để sắp xếp nguồn vốn. Chính phủ cho phép tách đền bù tái định cư ra thành dự án thành phần với tổng mức đầu tư 22.938 tỉ đồng. Nghị quyết 53 của Chính phủ đã giải quyết phần vốn này.

Cụ thể, phát hành trái phiếu Chính phủ 5.000 tỉ đồng, 15.000 tỉ đồng trích từ nguồn vốn 80.000 tỉ đồng mà Chính phủ để dành cho các dự án quan trọng của quốc gia. Phần còn lại có từ việc thu hồi đất tái định cư. Như vậy, vốn đã cơ bản được giải quyết. Khâu còn lại giao hội đồng tham mưu và chọn nhà đầu tư theo hình thức công tư. Quốc hội đã xác định dự án sân bay Long Thành là đầu tư công - tư, vì vậy chỉ cần xác định đầu tư công - tư dạng nào để tiến hành.