Đấu trường quốc tế trên sân nhà

13/10/2018 00:00 GMT+7

(NLDO) - Có một thực tế đang diễn ra, một số cửa tiệm, hàng quán ở TP HCM trước đây bán rất đông khách nhưng nay ít nhiều đã giảm.

Cửa hàng bày hàng hóa, sản phẩm ra nhưng nhiều khách hàng chỉ xem rồi sau đó về nhà... đặt hàng online, được giao tận nhà. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy cửa hàng truyền thống bị cạnh tranh bởi xu hướng của thương mại điện tử, công nghệ, mua bán qua mạng mà nếu không có sự chuẩn bị để thích nghi, doanh nghiệp (DN) sẽ bị qua mặt, mất thị phần. Trong tình huống này, nếu DN không có sự thay đổi sẽ mất cơ hội, khó tồn tại trên thị trường.

Hay như vấn đề thời sự hiện nay là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam, DN cũng cần theo dõi để có sự thích nghi, thay đổi. Sẽ có dòng vốn, đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, DN nước ngoài tràn vào và họ đưa giải pháp kinh doanh, công nghệ mới vào sản xuất sản phẩm để xuất sang Mỹ và cả phục vụ thị trường trong nước. Đây sẽ là cơ hội nếu DN Việt nắm bắt hợp tác, đón đầu nhưng lại là thách thức khi sản phẩm, hàng hóa bị cạnh tranh trên sân nhà. Trong tình huống này, DN cần chuẩn bị cả tâm thế để tồn tại ở thị trường trong và ngoài nước.

Tất nhiên, hiện các DN đều ý thức việc phải tập trung vào công nghệ, việc mà lẽ ra họ phải chuẩn bị từ 1-2 năm trước để không bị vượt mặt. Nhưng ứng dụng ra sao, chuẩn bị thế nào lại là chuyện khác. Vinamit cũng đang tiếp tục thay đổi, như việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến nông sản thực phẩm của mình để thích nghi, khi người tiêu dùng ngày càng không sử dụng sản phẩm công nghiệp có quá nhiều phụ gia, mùi vị hóa học... Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn, yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và DN buộc phải thích nghi với nó.

Do đó, DN nào nắm bắt được xu hướng, tập trung vào công nghệ sẽ tồn tại. Câu chuyện cạnh tranh của DN bây giờ không chỉ là đi ra biển lớn mà cả đứng vững trên sân nhà khi DN nước ngoài tràn vào. Ngay sân nhà cũng trở thành một đấu trường quốc tế, người tiêu dùng trong nước cũng đòi hỏi chất lượng mang tầm quốc tế.

Có một tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, Chính phủ đang khởi xướng, thực hiện Chính phủ kiến tạo, ủng hộ DN tư nhân. Đây là xu hướng rất tốt và cộng đồng DN kỳ vọng Chính phủ sẽ ưu ái nhiều hơn cho các DN nhỏ và vừa, khi đóng góp của khu vực DN tư nhân ngày càng nhiều hơn. Các DN đang nhìn thấy điều này và đó là tín hiệu tốt khích lệ cộng đồng DN tư nhân đổi mới, sáng tạo.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi cho rằng tinh thần của doanh nhân hiện nay là sẵn sàng đổi mới, sáng tạo. Để làm điều này, các DN cần xác định cho mình hai bước đi, một bước ngắn hạn là tận dụng những gì mình đang có để tích lũy lợi nhuận. Đồng thời, bước đi dài hơn là đầu tư vào công nghệ, thị trường để chuẩn bị cho những bước tiếp theo dài hơn, bền vững hơn trong tương lai. Công nghệ luôn thay đổi và sự sáng tạo là không giới hạn, cơ hội bứt phá cho từng DN luôn luôn có nên DN không bao giờ được hài lòng với hiện tại.