Triển vọng kháng sinh mới từ máu rồng komodo

18/04/2017 22:08 GMT+7

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thuộc ĐH Mason (bang Virginia) nêu triển vọng bào chế dạng kháng sinh mới có khả năng đối phó với vi khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh từ máu của rồng komodo.

Trong công trình được đăng tải trên tạp chí NPJ Biofilms and Microbiomes, nhóm nghiên cứu khảo sát một peptide tên gọi VK25 trong máu của rồng komodo, phát hiện tính chất kháng khuẩn và ngăn ngừa hình thành màng sinh học - là cơ thể vi sinh gồm hàng loạt vi khuẩn dính vào nhau để phát triển và cùng tự bảo vệ. Hai amino acid trong VK25 được họ thiết kế lại nhằm tạo công hiệu mạnh hơn và cho ra phiên bản peptide tổng hợp mới được đặt tên là DRGN-1.


Komodo là loài bò sát khổng lồ sinh sống tự nhiên tại một số đảo thuộc Indonesia. Ảnh: TNT

Komodo là loài bò sát khổng lồ sinh sống tự nhiên tại một số đảo thuộc Indonesia. Ảnh: TNT

Tiếp theo đó, họ thử nghiệm DRGN-1 trên chuột có vết thương bị nhiễm 2 dòng vi khuẩn đã kháng thuốc kháng sinh là Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus aureus. Họ nhận thấy DRGN-1 đã phá hủy màng sinh học ở vết thương trước khi tiêu diệt vi khuẩn và khiến vết thương mau lành. Nhóm nghiên cứu hy vọng peptide tổng hợp DRGN-1 có thể là chất liệu ban đầu dẫn tới việc bào chế một loại kháng sinh mới có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn đã kháng thuốc ở con người.