Chuyện "phí, giá" ở thể thao

26/05/2018 21:35 GMT+7

Tâm trạng háo hức chờ đợi những nét mới từ việc Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam vừa được thành lập và chính thức tiếp quản các hoạt động thi đấu nhanh chóng xẹp xuống khi kỳ thủ khắp nơi về tham dự Giải Vô địch đồng đội toàn quốc đang diễn ra tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Chuyện phí, giá ở thể thao - Ảnh 1.

Phạm Thu Hà (Hà Nội) trở lại ngôi vô địch nữ sau 15 năm ở Giải Vô địch Cờ tướng đồng đội quốc gia 2018 đang diễn ra tại Bình Dương. Ảnh: Đông Linh

Báo Người Lao Động từng phản ánh rằng khi Tổng cục TDTT ban hành thông báo 179 hồi đầu tháng 3 vừa qua yêu cầu nộp lại toàn bộ lệ phí tham dự các giải thi đấu (có sử dụng ngân sách nhà nước) về tổng cục, nhiều liên đoàn thể thao phản ứng mạnh mẽ về tính pháp lý của thông báo này. Cũng có liên đoàn đối phó bằng cách ban hành dự thảo không dùng cụm từ "lệ phí thi đấu", thay vào đó là làm "thẻ tham dự giải" đối với HLV và VĐV mà không quy định rõ đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm chi trả. "Trăm dâu đổ đầu… VĐV", bởi nếu tham dự khoảng 8-10 giải mỗi năm, một VĐV sẽ phải chi rất nhiều tiền cho khoản này mà chưa chắc đã thu hồi lại được phần nào từ giải thưởng. Ðơn cử như ở Giải Cờ vua trẻ toàn quốc 2017, VĐV phải đóng lệ phí (giờ chuyển thành thẻ tham dự giải) đến 450.000 đồng nhưng giải thưởng cho nhà vô địch chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng!

Bất chấp dư luận người hâm mộ và báo chí lên tiếng, BTC giải đấu đang diễn ra tại Bình Dương còn khiến VĐV nhiều lời than phiền. Giải đấu không quy định tiền thưởng cho kỳ thủ giành thứ hạng cao nhưng lại buộc mỗi VĐV đóng đến 600.000 đồng, bao gồm khoản phí đăng ký 200.000 đồng/VĐV, phí tham dự giải 300.000 đồng/VÐV và cả khoản "thẻ VĐV" trị giá 100.000 đồng/thẻ. Ðó là chưa kể các đơn vị đăng ký dự giải trễ hạn phải đóng thêm 100.000 đồng/1 kỳ thủ… Hài hước nhất là việc VĐV còn buộc phải chi thêm tiền mua tài liệu chuyên môn và biên bản ghi các ván đấu mà lẽ ra những khoản này phải được tính vào phí dự giải!