Hy Lạp tham gia dự án đường ống khí đốt 2 tỉ euro với Nga

10/07/2015 20:12 GMT+7

(NLĐO) – Chính phủ Hy lạp hôm 10-7 lần đầu tiên xác nhận tham gia kế hoạch xây dựng dự án đầu tư hệ thống đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trị giá 2 tỉ euro do Nga khởi xướng.

Năm 2014, Moscow tạm ngưng kế hoạch xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” dẫn khí đốt từ Nga sang các nước Đông và Nam Âu, do trục trặc trong mối quan hệ với châu Âu liên quan tới căng thẳng Ukraine.

Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đề xuất dự án mới với tên gọi “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” nhằm mở rộng đường ống dẫn khí đốt của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Moscow có ý định tài trợ, giúp Hy Lạp kiếm thêm một khoản thu đáng kể từ dự án 2 tỉ euro này.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) trong chuyến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Ảnh: Telegraph

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. Ảnh: Telegraph

Hôm 10-7, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Panayotis Lafazanis tiết lộ Athens sẽ tham gia kế hoạch xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo Financial Times, động thái này được cho là giúp Hy Lạp thể hiện chính sách đối ngoại “đa diện” của đất nước và giải quyết khoảng 20.000 công ăn việc làm cho người dân.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Hy Lạp hôm 9-7 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong nước hồi tháng 4 vừa qua lên tới 25,6 %.

Nếu dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được triển khai, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ vận chuyển 47 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, bắt đầu từ năm 2018 - khi dự án chính thức được đưa vào hoạt động.

Ông Lafazanis từng ca ngợi mối quan hệ giữa Hy Lạp với Nga giống như “bình minh mới”, đồng thời bày tỏ nguyện vọng cho phép tập đoàn Gazprom khoan dầu ngoài khơi bờ biển nước mình để tăng cường quan hệ hợp tác.

Về phía Điện Kremlin, họ đã thẳng thừng từ chối thông tin mà Bộ trưởng Lafazanis vừa nêu. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble nói rằng ông không phản đối bất kỳ thỏa thuận nào của Athens với Moscow nhưng lưu ý các thỏa thuận ấy sẽ không có tác dụng “khắc phục vấn đề cải cách của Hy Lạp”.

Ngoài Moscow, Bắc Kinh cũng được cho là đang tìm cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng biển của Hy Lạp.