Thừa nhận Triều Tiên để ứng phó

11/01/2018 23:14 GMT+7

33 năm đã trôi qua kể từ vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu tiên của Triều Tiên và 11 năm kể từ vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên. Những năm gần đây, cả tần suất thử nghiệm lẫn năng lực thể hiện của Triều Tiên đều tăng lên.

 Dù vậy, một số quan chức và nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chần chừ trong việc công khai thừa nhận các tiến bộ vượt bậc của Triều Tiên.

Đây là lúc phải nhìn nhận thực tế về khả năng nghiên cứu và phát triển (vũ khí) của Triều Tiên để có sự đối phó tương xứng. Tuy chưa tháo gỡ hết vướng mắc trong các chương trình của mình song Triều Tiên đã đạt được nền tảng của công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa (dù độ chính xác chưa cao), tự sản xuất được nhiên liệu, tiến gần công nghệ nhiệt hạch và có khả năng thu nhỏ đầu đạn.

Các năng lực này đều đạt được trước "kế hoạch" và đối lập với những tuyên bố rằng một nước lạc hậu, nghèo nàn như Triều Tiên phải rất khó khăn để thành công, nếu không muốn nói là không thể.

Thừa nhận Triều Tiên để ứng phó - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một vụ thử tên lửa vào năm ngoái Ảnh: KCNA

Đã đến lúc phải thừa nhận Triều Tiên sở hữu khả năng răn đe hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội hành động quân sự mà không phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc đã trôi qua từ lâu.

Song song với việc tiếp tục thu thập thông tin tình báo, cần xem xét một cách nghiêm túc các tuyên bố công khai của Bình Nhưỡng. Nếu phớt lờ, Mỹ có thể đẩy Triều Tiên tới những thử nghiệm gây bất ổn. Những thách đố tương tự từng dẫn đến việc Trung Quốc thử nghiệm đặt đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo vào năm 1966.

Rõ ràng là chỉ riêng trừng phạt thì không đủ ngăn các kế hoạch hạt nhân của ông Kim Jong-un. Trên thực tế, càng trừng phạt sẽ càng khiến Triều Tiên thuần thục hơn trong các hoạt động phi pháp. Trừng phạt kinh tế không phải là viên đạn bạc mà chỉ nên xem là một công cụ trong kế hoạch ngoại giao rộng lớn hơn.

Giới lãnh đạo Mỹ nên xúc tiến đối thoại cấp cao, trực tiếp - và không có điều kiện tiên quyết - với Triều Tiên. Nếu cho rằng trừng phạt và gây áp lực có thể phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì sẽ khiến cho việc hóa giải vấn đề trở nên mờ mịt. Cứ cho rằng có một giải pháp quân sự hiệu quả thì sẽ làm tình hình thêm mất an ninh.

Để đạt được tiến triển, Mỹ phải đề ra một danh sách mục tiêu thực tế và những nhượng bộ có thể. Những nhượng bộ này phải vừa khiến Triều Tiên yên tâm vừa không làm suy yếu quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh.