Nỗi lòng người thầy

21/11/2016 23:25 GMT+7

Mỗi dịp 20-11 không hiểu sao tâm trạng của những giáo viên như chúng tôi có gì đó day dứt, không yên. Một đồng nghiệp đăng một dòng trạng thái trên Facebook: “Thầy sẽ không nhận bất cứ hoa quà gì hết. Có thể các em thấy lạ nhưng mong các em hiểu cho, thầy không thích phiền hà. Chỉ cần các em học tốt là thầy vui rồi”.

Phải thừa nhận rằng chưa bao giờ xã hội quan tâm đến giáo dục nhiều như hiện nay. Vấn đề ở chỗ quan tâm kiểu gì, theo hướng nào để rồi những nhà giáo chân chính đã phải chùng lòng đến vậy.

Phải đau buồn xác nhận rằng có một bộ phận giáo viên vì nhiều lý do khác nhau đã làm tổn hại lớn đến thanh danh nhà giáo để rồi hàng triệu trái tim nhà giáo phải chịu mang tiếng.

Tất nhiên, những hành động ấy đáng bị lên án nhưng nếu vì một vài cá nhân mà có thể đánh đồng với hàng triệu thầy cô giáo đang miệt mài sống chết với nghề, nhận về mình quá nhiều thiệt thòi như thế thì thật thiếu công bằng. Chưa kể số vụ thầy cô giáo bị hành hung, làm nhục trong trường, thậm chí ngay trên bục giảng không phải chưa từng xảy ra.

Giáo viên cũng là con người, cũng có lúc sai lầm hay sân si. Chính vì thế mà có thầy giáo khuyên đồng nghiệp của mình một cách cay đắng rằng: “Học sinh và phụ huynh luôn đúng, các thầy cô hãy biết giữ lấy thân phận của mình. Tuyệt đối không được la mắng, quở phạt học sinh dù chúng có thế nào đi nữa”. Chẳng biết từ bao giờ giáo viên bị triệt buộc, đóng khung trước những quy ước bất thành văn như thế.

Mỗi gia đình hiện đại chỉ có một- hai con nên mỗi khi con có chuyện, phụ huynh không cần biết nguyên nhân vì đâu, lỗi tại ai, thầy cô bao giờ cũng là đối tượng trước tiên và sau cùng để họ truy vấn. Chả thế mà có cô giáo bị kỷ luật oan khi chân một học sinh bầm tím da do bệnh mà phụ huynh không hề hay biết, cứ dồn ép buộc tội cô đánh dù cô giáo đã hàng chục lần nói không trong nước mắt. Cuối cùng, cô phải đành nhận tội để “chỉ bị kỷ luật chứ không phải nghỉ dạy”.

20-11 là ngày tôn vinh nhà giáo. Thế nhưng đã có ý kiến cho rằng 20-11 là dịp thầy cô giáo vào mùa thu hoạch. Có chua chát, nghiệt ngã quá không?

Và thử hỏi, một thầy giáo mẫn cán, suốt năm học hết lòng tận tụy với học sinh, đến ngày 20-11 nhận món quà từ tấm lòng thành của phụ huynh thì có lỗi gì không? Một thầy giáo giỏi, bất chấp đường xa, tranh thủ cả ngày lễ, chủ nhật bồi dưỡng cho học sinh tối dạ, học hành chậm chạp có tiến bộ nên ngoài tiền thu đúng mực hằng tháng, thầy được phụ huynh cảm ơn bằng một phong bì vài trăm ngàn nhân ngày nhà giáo liệu có đáng lên án không? Và bao nhiêu câu chuyện tương tự chúng ta có thể mang ra mổ xẻ lạnh lùng không một chút áy náy.

Chúng ta thường dễ dàng nhìn, đánh giá người khác chỉ qua hiện tượng mà thường bỏ qua bản chất. Nghề giáo cũng thế, xin mọi người hãy công tâm hơn, nhất là khi chính cuộc sống của các thầy, cô còn nhiều khó khăn nhưng vẫn vì học sinh tận tụy mỗi ngày.