Ai biết chính xác doanh thu phim Việt!

13/04/2016 22:59 GMT+7

Không giống nhiều nước, thông tin doanh thu phim Việt vốn thiếu sự công khai, minh bạch.

Đa phần, thông tin này đều do các nhà sản xuất hoặc nhà phát hành chủ động công bố, sự thật mức nào cũng chỉ có họ biết bởi thiếu kiểm chứng.

Với những phim có lượng người xem cao, doanh thu lớn, thông tin sẽ được công bố nhanh chóng, rộng rãi để quảng bá, tăng thêm phần hấp dẫn cho phim đó. Ngược lại, với phim doanh thu thấp, sẽ không ai muốn công bố con số cụ thể và nó trở thành “bí mật kinh doanh”, nếu báo chí muốn tìm hiểu cũng không dễ vì phía nhà sản xuất tìm cách chuyển sang cho nhà phát hành, còn nhà phát hành “đá” trách nhiệm trả lời lại cho nhà sản xuất. Báo chí đưa thông tin chỉ biết lấy số liệu từ nhà phát hành hoặc nhà sản xuất, khó thể kiểm chứng được con số đó có xác thực không hay chỉ là số “ảo” được “bơm” lên.

Cảnh quay phim “Taxi, Em tên gì?”
Cảnh quay phim “Taxi, Em tên gì?”

Không kể đến nền điện ảnh phương Tây vốn đã quá minh bạch với doanh thu phim công bố liên tục hằng tuần, thậm chí hằng ngày, trên các phương tiện truyền thông, các trang web thống kê, bình luận phim mà những nền điện ảnh của nhiều nước châu Á như Hàn Quốc cũng minh bạch hóa doanh thu phim từ lâu. Trong hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” vào tháng 12-2015, ông Yun Ha - Giám đốc Nhóm Phát triển dự án mới, Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc - từng cung cấp thông tin rằng nước này có hẳn trang web thông tin phòng vé trên mạng. Trang này được thành lập năm 2003 và được quản lý nhằm bảo đảm các thông tin chính xác về việc phát hành phim tại các rạp. Họ công bố doanh thu của cả phim ngoại lẫn phim nội.

Từ số liệu này, các nhà quảng cáo mới quyết định nên đầu tư vào phim nào. Các đoàn phim nỗ lực chinh phục khán giả thực sự phải theo dõi kỹ thị hiếu và cho ra sản phẩm tốt. Khán giả cũng dễ dàng tra cứu, tìm kiếm phim đang “ăn khách” để quyết định có đi xem hay không.

Không chỉ minh bạch doanh thu phim điện ảnh, phim truyền hình cũng được họ công khai rõ rating (số lượng khán giả theo dõi) ở mỗi tập. Còn ở Việt Nam, rating các phim truyền hình không được công bố. Báo chí và công chúng quan tâm chỉ phán đoán dựa vào độ nóng, vào tranh luận nhiều hay ít của phim đó trên diễn đàn, trang mạng xã hội. Điều này cũng dễ tạo cơ hội cho những chiêu trò, quảng bá “bẩn” theo kiểu cứ tạo tranh luận trái chiều để tăng độ nóng cho phim, thổi phồng mức độ hút khách, kích thích sự tò mò của khán giả.

Thiết nghĩ, nếu muốn phát triển bền vững, đã đến lúc phim Việt nên minh bạch hóa các số liệu doanh thu, lượng người xem một cách sòng phẳng.