"Khát vọng đổi đời": Chiến thắng gây tranh luận!

04/03/2021 10:32 GMT+7

Phim "Khát vọng đổi đời" (Minari) của đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung đã chiến thắng hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 78 vừa qua.

Chiến thắng hoàn toàn thuyết phục nhưng vấn đề khiến "Khát vọng đổi đời" là tâm điểm tranh luận sau lễ trao giải là nghịch lý của một phim đầy "chất Mỹ" từ nhà sản xuất, diễn viên, ngôn ngữ, đạo diễn… lại được trao giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

"Khát vọng đổi đời" có nội dung kể về một gia đình Hàn Quốc phải đối mặt với những khó khăn do khác biệt văn hóa khi quyết định chuyển đến sinh sống tại bang Arkansas - Mỹ vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Những biến cố liên tục xảy đến dần khiến họ nhận ra tầm quan trọng của hai tiếng "gia đình". Phim do nhà sản xuất Mỹ thực hiện, đạo diễn người Mỹ gốc Hàn, diễn viên đa phần là người Mỹ, bối cảnh cũng ở Mỹ và chỉ nói hơn 50% tiếng Hàn, còn lại là tiếng Anh.

"Phim có nói bằng tiếng Hàn và nội dung xoay quanh một gia đình với các câu chuyện văn hóa Hàn Quốc liên quan. Tuy nhiên, tôi nghĩ bộ phim nói lên nhiều điều về nước Mỹ, chứa đựng nhiều câu chuyện khác nhau, tầng lớp xã hội khác nhau, hoàn toàn khác với "Ký sinh trùng" - ông Lee Isaac Chung, đạo diễn kiêm biên kịch của phim, nhận định.

Khát vọng đổi đời: Chiến thắng gây tranh luận! - Ảnh 1.

Phim “Khát vọng đổi đời” nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Ảnh: VULTURE

Tuy nhiên, do phim song ngữ và có nhiều hội thoại tiếng Hàn, "Khát vọng đổi đời" đã bị phía Hiệp hội Báo chí nước ngoài ở Hollywood (HFPA) - ban tổ chức Quả cầu vàng - loại khỏi các hạng mục khác. Phim chỉ được đề cử duy nhất hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" và vượt qua các ứng cử viên để giành chiến thắng cuối cùng. 

Trước đó, khi "Khát vọng đổi đời" bị loại khỏi các hạng mục, nhiều tranh cãi đã xuất hiện với chỉ trích nhắm vào HFPA. Nhiều người cho rằng phim lẽ ra phải được đề cử ở các hạng mục khác. Dù vậy, một số người lý giải HFPA có quy định lâu nay và việc tuân thủ quy định đặt ra là đúng, không thể trách cứ được. Nếu muốn giải tỏa sự mâu thuẫn, phía HFPA phải có sự sửa đổi quy định lâu năm và cần thời gian cho việc này.

Ngay sau khi "Khát vọng đổi đời" chiến thắng Quả cầu vàng, tranh luận một lần nữa rộ lên với phần lớn mỉa mai sự cứng nhắc của giải thưởng. Một số tài khoản mạng xã hội thắc mắc vì sao một phim do Mỹ sản xuất, diễn viên Mỹ, có nói tiếng Mỹ lại phải nhận giải "Phim nói tiếng nước ngoài". 

Trước đó, nhà làm phim Lulu Wang từng nhận định: "Tôi chưa thấy một bộ phim Mỹ nào hơn phim "Khát vọng đổi đời" của năm nay. Đó là một câu chuyện về một gia đình nhập cư ở Mỹ, theo đuổi giấc mơ Mỹ. Chúng ta cần có sự thay đổi những quy tắc lỗi thời, lạc hậu với quy tắc rằng phim Mỹ là chỉ được nói tiếng Anh".