Tìm nguồn sáng trong thế giới "Mù lòa"

05/10/2019 04:47 GMT+7

Những con người sáng mắt nhưng sống trong vô minh thì sẽ ngập ngụa trong sự phi nhân. Đó là thông điệp của cuốn tiểu thuyết "Mù lòa" mà văn hào José Saramago muốn nói

Ngay từ lúc bắt đầu tiểu thuyết "Mù lòa" (Phạm Văn dịch, Bách Việt và NXB Văn học ấn hành 2019), văn hào José Saramago đã đưa người đọc đối diện với một thảm họa "từ trên trời rơi xuống". Cuốn tiểu thuyết khởi sự từ một giả định về trận dịch khiến cho một phần nhân loại bị "mù trắng", biến những con người trước đó còn khỏe mạnh, thông minh hoặc giàu có thành những người bị khuyết tật.

Cuốn tiểu thuyết siêu thực

José Saramago đã vẽ ra một khung cảnh siêu thực và ném những người phàm vào đó. Cái cách mà các nhân vật của ông rơi vào cơn "mù trắng" cũng đầy ngẫu nhiên như cách ý tưởng về cuốn tiểu thuyết "Mù lòa" đến với ông: "Tôi ở trong khách sạn, đợi được phục vụ bữa trưa thì bất ngờ, không có bất cứ cảnh báo nào, tôi nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu như tất cả chúng ta đều bị mù?". Để trả lời câu hỏi giả định đó, Saramago đã dắt độc giả qua hơn 400 trang sách nhọc nhằn, mò mẫm cũng hệt như những người mù trong truyện để đi tìm ở giữa bóng tối kia một con người.

Con người trong xã hội hiện đại tự nhận là văn minh buộc phải lâm vào tình thế mà cá nhân bị xé lẻ ra khỏi xã hội, dấn thân vào cái vô minh của chính bản thân họ. Cơn dịch mù giống như chất xúc tác để kích hoạt chuỗi phản ứng ngấm ngầm tồn tại trong xã hội loài người. Do không tìm ra nguyên nhân dịch bệnh, những người mù bị chính quyền tập trung lại một chỗ vì sợ họ sẽ lây "mù" cho những người khác. Từ những công dân bị tước mất các quyền tự do, sống nhờ trợ cấp của chính phủ, bị giam trong điều kiện hà khắc, trở thành tù nhân của bóng tối.

Không thấy gì, họ quờ quạng sống, dần dà, họ hình thành một trật tự mới, có phân chia "giai cấp" khác nhau. Nhưng có một điều mà những người mù không biết là trong cái nhà tù u minh ấy có một người sáng mắt. Dân gian có câu "Thằng chột làm vua xứ mù" nhưng người duy nhất thấy được ấy không muốn làm vua. Bên cạnh chồng mình, bà đóng vai một người mù, lặng lẽ quan sát tất cả để rồi trở thành chứng nhân cho một tao đoạn con người đánh mất ánh sáng, không chỉ đôi mắt mà còn đánh mất ánh sáng linh hồn mình.

Tìm nguồn sáng trong thế giới Mù lòa - Ảnh 1.

Bìa sách “Mù lòa” xuất bản tại Việt Nam

Sống phi nhân trong vô minh

Cái thế giới tận thế mà Saramago khắc họa trong "Mù lòa" ngập ngụa trong sự phi nhân. Ông đã chỉ ra rằng con người là sinh vật yếu đuối và dễ dàng sa đọa đến mức nào. Hệt như trước lúc nhân loại tìm ra lửa, thế giới người là một cõi tăm tối, con người trần trụi vì chưa biết xấu hổ, sẵn sàng đánh đổi tất cả để có cái ăn. Thậm chí nhân phẩm hay đạo đức là thứ gì đó có thể dễ dàng bị triệt tiêu ngay khi thảm họa xảy ra.

Tác phẩm sẽ khiến nhiều người khó chịu, bị sốc khi chứng kiến con người có thể dễ uốn và chà đạp đến mức nào. Ngay lập tức, cùng với sự trỗi dậy của bóng tối là sự xuất hiện của cái ác. Sự xấu xa được dịp bộc lộ, bạo lực nhanh chóng được thực hiện, không chỉ hành động bạo lực đến từ những người mù với nhau mà còn là thứ bạo lực từ những người sáng mắt giáng xuống những kẻ mù lòa.

Saramago đẩy đến cùng ý tưởng của mình, ở "Mù lòa" không có sự khoan nhượng, nhà văn không ngại khắc họa sự bẩn thỉu của ngoại cảnh lẫn sự mục ruỗng nội tại. Cái quần thể những sinh vật mù lòa chẳng khác gì một hệ sinh thái của động vật hoang dã.

Tiểu thuyết "Mù lòa" gợi nhắc ta đến vở kịch "Những người mù" của văn hào Bỉ Maurice Maeterlinck (1862-1949), chủ nhân Giải Nobel Văn chương năm 1911. "Những người mù" dày đặc những đoạn gần như độc thoại của những kẻ mù như một ẩn dụ của cuộc truy tìm ánh sáng cứu rỗi. "Mù lòa" của Saramago thì khác, thậm chí những người mù không biết đến một phương thuốc thoát mù, họ chấp nhận cảnh mù, học các sinh hoạt trong bóng tối, học yêu thương nhau khi xung quanh bị vây khốn bởi sự man rợ.

Nhưng đừng quên, giữa những thứ man rợ, vẫn có một cá nhân sáng mắt. Nhẫn nhục và hy sinh, bà giữ lấy ngọn đuốc thiêng thắp lửa soi cho đoàn người mù đi trong đêm trường của cõi vô minh, cũng giống như Prometheus đoạt lửa của thần linh để đem lại ánh sáng cho nhân loại. Chỉ cần một người sáng mắt, có thể nhìn thấy thì còn có hy vọng.

Tiểu thuyết khép lại khi các người mù dần lấy lại được ánh sáng, đột ngột như lúc họ bị mù. Nhà văn không nhắc đến ngọn nguồn trận dịch, cứ như thể một sự trừng phạt, đầy phi lý, dành cho những con người sáng mắt nhưng sống trong vô minh. 

Nhà văn Bồ Đào Nha duy nhất đoạt Giải Nobel Văn chương

Cho đến nay, José Saramago (1922-2010) vẫn là nhà văn Bồ Đào Nha duy nhất đoạt Giải Nobel Văn chương. Dù vậy, một trong những nhà văn xuất sắc nhất thế kỷ XX có khởi đầu không hề suôn sẻ. Sau khi những tác phẩm đầu tay không được công chúng đón nhận, Saramago gác bút trong một thời gian. Mãi đến khi bước vào độ tuổi 50, văn chương của ông mới được nhìn nhận và đánh giá cao.

Là người thẳng tính, những phát ngôn của ông thường gây tranh cãi cũng như những tác phẩm của ông. Tuy vậy, khi ông qua đời, Thủ tướng Bồ Đào Nha bày tỏ lòng kính trọng: "Sự ra đi của ông đã khiến cho nền văn hóa chúng ta nghèo đi".

Tiểu thuyết "Mù lòa" là kiệt tác phổ biến nhất của ông, được chuyển thể thành phim năm 2008. Dịch giả Giovanni Portiero, người đã dịch nhiều tác phẩm của José Saramago sang tiếng Anh, trong lúc dịch "Mù lòa" cũng rơi dần vào trạng thái mù do tác dụng phụ của thuốc điều trị AIDS và đã qua đời khi vừa hoàn thành bản dịch của mình.