xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những nghiên cứu khoa học gây sốc (*): Ám ảnh chương trình tẩy não

ĐỖ QUYÊN

Vào những năm 1950- 1960, một bệnh viện ở Canada đã "biệt đãi" bệnh nhân tâm thần bằng liệu pháp sốc điện, những liều thuốc tạo giấc ngủ kéo dài hằng tháng và siêu thuốc mê LSD

Gia đình những bệnh nhân này đến giờ vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh đeo đẳng của chương trình tàn khốc. Điển hình, đối với Sarah Anne Johnson, nữ họa sĩ 41 tuổi ở Canada, nỗi đau từ cú sốc về cuộc điều trị của bà ngoại Velma Orlikow vẫn chưa liền sẹo.

"Hồn lìa khỏi xác"

Năm 1956, bà Orlikow tới khám tại Viện Allan, bệnh viện tâm thần tiếng tăm ở Montreal, với mong muốn chữa trị chứng trầm cảm sau sinh. Bà lui tới bệnh viện này suốt 3 năm nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn ngày càng xấu hơn, tính cách lại thay đổi đáng sợ.

Những nghiên cứu khoa học gây sốc (*): Ám ảnh chương trình tẩy não - Ảnh 1.

Bà Orlikow từng nói rằng thuốc LSD làm bà cảm thấy như con sóc mắc kẹt trong lồng và họa sĩ Johnson đã khắc họa điều này trong tác phẩm của mình. Ảnh: GUARDIAN

Hơn 2 thập kỷ sau, họa sĩ Johnson và gia đình mới có lời giải thích và nó hết sức lạ lùng, khó thể tưởng tượng. Theo đó, năm 1977, có thông tin Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ cho các thí nghiệm tẩy não nhằm kiểm soát trí óc con người tại Viện Allan - nằm trong dự án trải rộng khu vực Bắc Mỹ, được biết tới với cái tên MK Ultra. Lúc ấy, CIA đang vật lộn để nắm bắt cái gọi là tẩy não, sau khi một số binh sĩ Mỹ bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Triều Tiên bỗng dưng "trái tính trái nết" lúc quay về nước năm 1953, công khai ca ngợi đối phương và lên án quân đội nhà.

Năm 1957, mối quan tâm đó đã đưa CIA tới phía Bắc biên giới Mỹ, nơi chuyên gia về tâm thần học Ewen Cameron, người sinh ra ở Scotland, đang tìm cách khám phá liệu các bác sĩ có thể tẩy não con người và "cài đặt" hành vi mới hay không. Không may, bà Orlikow lại nằm trong số vài trăm bệnh nhân bị đem ra thí nghiệm mà không hề hay biết tại Montreal vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960.

"Không thể tin nổi một chuyện như vậy" - họa sĩ Johnson trải lòng. Sau khi bà ngoại qua đời, nữ nghệ sĩ này bắt đầu dành thời gian để tìm hiểu về Viện Allan, đọc kỹ nhật ký và hồ sơ pháp lý của bà Orlikow.

"Một số thứ ông Cameron đã làm với các bệnh nhân thực sự quá kinh khủng và khó tin, đến nỗi chúng giống như những cơn ác mộng triền miên" - Johnson nói với trang Guardian hồi tháng 5-2018. Các bệnh nhân phải trải qua liệu pháp sốc điện mạnh vài lần trong ngày, bị nhồi thuốc để chìm vào những giấc ngủ sâu có thể kéo dài nhiều tháng và bị tiêm các liều siêu thuốc mê LSD. Chữa bệnh về, họ như "hồn lìa khỏi xác".

Trải nghiệm "địa ngục"

Sau khi kéo lùi bệnh nhân về tình trạng không khác gì trẻ con, tước đi những kỹ năng cơ bản khiến họ thậm chí không còn biết mặc quần áo hay cột dây giày, ông Cameron "lập trình lại" họ bằng cách nhồi vào đầu những thông điệp ghi âm sẵn liên tục trong 16 giờ mỗi lần. Đầu tiên là thông điệp tiêu cực về những khiếm khuyết của họ, sau đó là thông điệp tích cực. Đôi khi, những thông điệp này được lặp đi lặp lại hàng triệu lần.

Theo ghi nhận của họa sĩ Johnson, những kẻ thực hiện thí nghiệm lúc đầu nhồi sọ bệnh nhân bằng cách gắn các thiết bị phát thông điệp vào nón bảo hiểm bóng chày và khóa vào đầu họ. Nhiều người phản ứng rất mạnh, trở nên điên dại, mất kiểm soát bản thân, có những hành vi nguy hiểm như đâm đầu vào tường. Vì thế, ông Cameron chuyển sang cách nhồi thuốc cho họ hôn mê và mở băng phát thông điệp bao lâu tùy thích!

Bên cạnh các cơn trị liệu sốc điện triền miên, bà Orlikow còn bị tiêm LSD liều cao 14 lần. Họa sĩ Johnson kể lại: "Bà tôi nói rằng việc đó khiến bà cảm thấy xương như đang tan chảy. Khi bà cự tuyệt điều trị, các bác sĩ, y tá liền nhồi nhét bên tai những câu như: Bà là người vợ tồi tệ, một bà mẹ xấu xa. Nếu bà muốn khá hơn thì phải làm điều này vì gia đình của mình. Hãy nghĩ cho con gái bà đi...".

Với kiểu "tra tấn" vô nhân tính như vậy, không có gì khó hiểu khi bà Orlikow "điều trị" xong, trở về nhà đã trở thành một người khác. Bà Orlikow qua đời khi cô cháu gái Johnson 13 tuổi. Những trải nghiệm "địa ngục" của người bà tội nghiệp đã hằn sâu lên cuộc sống gia đình và ảnh hưởng không nhỏ tới các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Johnson. Vốn rất gần gũi với bà ngoại lúc sinh thời, Johnson phát hiện những thí nghiệm tàn độc đã hủy hoại não của bà, khiến bà phải mất tới 3 tuần mới đọc được một tờ báo, mất nhiều tháng để viết một lá thư…

Những bi kịch tương tự cũng đày đọa gia đình các nạn nhân khác khắp Canada. "Nỗi đau này đã hủy hoại cả gia đình tôi" - Alison Steel, con gái của một phụ nữ "sa chân" vào Viện Allan năm 1957 cho biết.

Lúc đó, mẹ của Steel mới 33 tuổi và tới Viện Allan để điều trị dấu hiệu trầm cảm sau khi mất đứa con đầu lòng. Sau 2 tháng, bà thân tàn ma dại trở về nhà, gần như mất trí nhớ. "Người ta nói rằng đó là tra tấn. Họ tìm cách loại bỏ cảm xúc, tước bỏ linh hồn của bệnh nhân" - Steel đau đớn. 

Kỳ tới: Đánh thức "quỷ dữ" trong con người

Cuộc chiến pháp lý dai dẳng

Phần lớn tài liệu liên quan tới MK Ultra đã bị tiêu hủy theo lệnh của Giám đốc CIA năm 1973, gây cản trở không nhỏ tới cuộc điều tra về thí nghiệm thảm họa này cũng như cuộc chiến pháp lý của gia đình các nạn nhân. Tại Mỹ, năm 1997, dựa vào Đạo luật Tự do thông tin, 20.000 tài liệu liên quan đến MK Ultra đã được khôi phục, sau đó thượng viện nước này tiến hành điều trần. Theo số liệu điều tra, CIA đã chi khoảng 10 triệu USD (80 triệu USD theo thời giá hiện nay) cho dự án bất hợp pháp này.

Còn ở Canada, báo chí nước này bắt đầu phanh phui những bí mật xung quanh MK Ultra từ năm 1977. Sau nhiều năm giằng co pháp lý, tới năm 1990, Chính phủ Canada đã đồng ý bồi thường cho 77 bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mỗi người 78.000 USD. Tới nay, tổng cộng 90 nạn nhân đã được bồi thường.

Vào năm 1980, bà Orlikow cùng 8 nạn nhân khác tham gia vụ kiện tập thể đối với hoạt động tài trợ kéo dài 6 năm của CIA cho thí nghiệm của ông Cameron. Mỗi nạn nhân đòi được bồi thường 1 triệu USD và lời xin lỗi công khai song rốt cuộc, mỗi người chỉ nhận được khoảng 80.000 USD trong vụ dàn xếp năm 1988. Cuộc chiến đòi công lý của nhiều nạn nhân đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo