xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Băn khoăn về cáp treo trên đỉnh Bạch Mã

QUANG NHẬT

Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường

Ngày 13-10, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã ở huyện Phú Lộc. Diện tích đề xuất quy hoạch 400 ha, trong đó có 300 ha nằm ở đỉnh Bạch Mã thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đã có ý kiến băn khoăn về đề án thiết kế của đơn vị tư vấn quy hoạch.

Kết nối bằng 2 tuyến cáp treo

Theo ý tưởng quy hoạch của đơn vị tư vấn - Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (WATG - Mỹ), phân khu du lịch sinh thái Bạch Mã chia làm 2 khu. Khu A gần 100 ha ở khu vực Khe Su, dưới chân núi Bạch Mã, là trạm đón khách du lịch, nhà ga cáp treo, dịch vụ trong nhà, công trình phụ trợ... Khu B 300 ha trên đỉnh Bạch Mã được quy hoạch phát triển du lịch sinh thái: làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng tâm linh, khu du lịch sinh thái thung lũng thác nước với điểm nhấn là thác Đỗ Quyên và phân khu cảnh quan tự nhiên. Tại đây sẽ xây dựng hàng loạt villa, nhà nghỉ dưỡng, nhà hàng... với chiều cao từ 2 tầng trở xuống.

Ngoài tuyến đường bộ sẵn có, đơn vị tư vấn cũng đưa ra phương án sẽ xây dựng 2 tuyến cáp treo, trong đó tuyến số 1 kết nối từ khu A đến làng trung tâm ở khu B dài hơn 4 km với 83 cabin; tuyến số 2 là từ đây xuống khu vực Ngũ Hồ với chiều dài 1,6 km.

Băn khoăn về cáp treo trên đỉnh Bạch Mã - Ảnh 1.

Trên đường chinh phục thác Đỗ Quyên - điểm nhấn du lịch sinh thái tại Bạch Mã Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG

Đại diện Tập đoàn POMA (Pháp) - đơn vị tư vấn cáp treo, khẳng định khu du lịch sử dụng phương tiện này có lợi thế hấp dẫn du khách khi được ngắm cảnh trên cao, an toàn, không tác động đến môi trường về tiếng ồn, ô nhiễm khí thải. "Diện tích mỗi cột của tuyến cáp treo chỉ từ 20-30 m2 nên hạn chế diện tích đất. Mặt khác, trong quá trình thi công, chúng tôi tránh làm tổn hại đến thảm thực vật. Khi đưa vào sử dụng sẽ có các biển cảnh báo để các loại động vật tránh né" - đại diện POMA khẳng định.

Cáp treo có phù hợp?

Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng Bạch Mã vừa là rừng nhưng gần biển, giao thông thuận lợi, đề án phải nghiên cứu kỹ vì sao người Pháp cách đây gần 100 năm đã xây dựng 139 biệt thự ở đỉnh Bạch Mã. Bên cạnh đó cần tính toán sự kết nối giữa Bạch Mã với Lăng Cô, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng và TP Huế. Đồng thời, xác định rõ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế địa phương.

Bà Lã Thị Kim Ngân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng dự án cần phải đưa ra tiêu chí sử dụng đất với tỉ lệ thấp nhất. "Nên giảm quy mô dịch vụ lưu trú, thương mại trên đỉnh núi, thay vào đó tập trung ở trạm cơ sở, vùng đệm để phân tán các hoạt động. Cần trao đổi thêm về tuyến cáp treo số 2, theo tôi không nên làm cáp treo mà sẽ thay bằng các loại hình khác" - bà Ngân nhấn mạnh.

TS Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQG Bạch Mã, nói rằng khu vực đỉnh Bạch Mã có lượng mưa hằng năm rất lớn, độ ẩm cao, nhiều sấm sét. Bên cạnh đó, công trình Hải Vọng Đài là nơi ngắm cảnh có thể tu bổ để phục vụ du khách nên cần xem lại việc có nên xây dựng nhà tổ chim ở khu vực đỉnh núi? Đối với cầu Pha Lê ở thác Đỗ Quyên cũng cần tính toán kỹ vì xây dựng sẽ can thiệp vào tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tầm nhìn.

Về tuyến cáp treo số 2, theo ông Linh thì khu vực này thường có 3 đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện nên cân nhắc thận trọng. "Nên tận dụng lại tuyến đường sẵn có để phát triển tuyến xe điện, giảm tác động đến môi trường. Du khách đến đây có thể ngắm được đàn voọc hay các loài chim muông khác. Bạch Mã nổi tiếng vườn chim, nếu làm không cẩn thận thì sẽ mất. Đối với khu vực tâm linh cũng nên thận trọng, tránh như các khu du lịch khác, nên phát triển vườn thiền thì hay hơn" - ông Linh nhận định.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét rằng ý tưởng quy hoạch khá hiện đại nhưng có phần xem nhẹ khu A, chỉ tập trung ở khu B trong khi ở đây có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Nếu phát triển ở khu A sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt vì ngoài phạm vi VQG Bạch Mã. Đối với khu B trên đỉnh Bạch Mã, theo ông Hoa, với ý tưởng thiết kế như vậy sẽ tạo ra sức chứa quá tải cho VQG cũng như môi trường. 

Cần tính toán kỹ lượng khách

Theo con số của các đơn vị tư vấn, dự ước lượng khách đến Bạch Mã sẽ từ 1-1,2 triệu lượt/năm khi thực hiện khu du lịch sinh thái này. Các đại biểu tham dự hội nghị nhận xét số liệu này chưa có cơ sở, cần tính toán kỹ khi đưa ra "sức chứa" du lịch của khu vực này. Bên cạnh đó, cần làm rõ mục đích là sẽ hướng vào số lượng hay chất lượng du khách. Nhiều người còn lo lắng việc khí hậu Bạch Mã chỉ cho phép thời gian khai thác du lịch rất thấp, trong khi theo đề án sẽ đầu tư kinh phí lớn nên các nhà đầu tư buộc phải phát triển nhiều dịch vụ, cơ sở vật chất nhằm thu hồi vốn, dễ gây áp lực với môi trường VQG Bạch Mã.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo