xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự Luật Đặc khu: Phải sửa mới yên dân!

VĂN DUẨN

Cần phải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và điều chỉnh dự thảo Luật Đặc khu để mọi người "bấm nút" yên lòng, bấm cho nhân dân chứ không phải chỉ cho riêng đại biểu Quốc hội

Sáng 8-6, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIV, đại biểu (ĐB) QH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Tổng Thư ký Trung ương MTTQ Việt Nam - đã dành nhiều thời gian nói về dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt: Luật Đặc khu).

Phải thảo luận kỹ lưỡng

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng dự thảo Luật Đặc khu sau khi được thảo luận tại QH đã nhận được sự quan tâm, góp ý của nhân dân khắp mọi miền gửi tới Ủy ban Thường vụ QH, lãnh đạo Đảng, nhà nước. Trong những góp ý, có nhiều ý kiến với mức độ nặng, nhẹ khác nhau nhưng đều chung sự quan tâm tới vấn đề lớn lao của quốc gia. "Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Khi người ta bình chân như vại, không ý kiến gì mới đáng sợ!" - ông Kim chia sẻ.

Theo ông Kim, nói về đặc khu thì chúng ta mong muốn đó là những nơi đột phá với những chính sách có tính chất đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển, không những về kinh tế mà còn là mô hình chính quyền địa phương nữa. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề mọi người quan tâm, đặc biệt là những chính sách liên quan đến vấn đề khai thác tiềm năng lợi thế ưu đãi hơn so với chính sách đã có trong đất liền, điều đó là đương nhiên. Do đó, cần phải được nghiên cứu và cụ thể hóa trong luật để loại trừ những yếu tố mà trong tương lai có thể ảnh hưởng đến những vấn đề nêu trên.

Trả lời về áp lực trước lúc thông qua dự án luật này (dự kiến vào ngày 15-6), ĐB Vũ Trọng Kim cho rằng vẫn còn những điều băn khoăn, trăn trở mà Ủy ban Thường vụ QH phải cân nhắc và đưa ra cho ĐBQH thảo luận một cách kỹ lưỡng. Dù việc thông qua hay không thông qua cũng là lịch sử nên điều quan trọng là quyết định như thế nào cho chính xác.

"Cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh làm sao để mọi người "bấm nút" yên lòng, bấm cho nhân dân chứ không phải chỉ cho riêng ĐBQH" - ĐB Vũ Trọng Kim bày tỏ.

Dự Luật Đặc khu: Phải sửa mới yên dân! - Ảnh 1.

Ông Vũ Trọng Kim: Quan tâm nhất là làm sao giữ được độc lập chủ quyền

Dự Luật Đặc khu: Phải sửa mới yên dân! - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Xuyền: Giảm thời gian cho thuê đất còn 70 năm, đặc khu chẳng còn đặc biệt nữa Ảnh: NGUYỄN NAM

Giao đất 70 năm, hết "đặc biệt"?

Cũng trao đổi với báo chí bên hành lang QH, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho biết chiều 7-6, QH đã tổ chức cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý lại dự Luật Đặc khu.

Cuộc họp do Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các ủy ban của QH, các bộ, ban, ngành liên quan. "Giống như các luật khác, với dự án Luật Đặc khu còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên QH tổ chức cuộc họp mời Chính phủ sang và đại diện các cơ quan rộng hơn để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp" - ĐB Bùi Văn Xuyền giải thích.

Về thời hạn cho thuê đất tại đặc khu mà dư luận, người dân và một số ĐBQH đặc biệt quan tâm, ông Xuyền nói khả năng cao là ban soạn thảo luật tiếp thu ý kiến, sẽ giảm thời hạn cho thuê đất, giao đất xuống 70 năm, như các khu kinh tế khác hiện nay và như quy định tại Luật Đất đai hiện hành. Như vậy, quy định cho thuê đất đặc khu 99 năm sẽ xem xét bãi bỏ, duy trì cao nhất là 70 năm, như quy định của Luật Đất đai.

Ông Xuyền trần tình thêm nếu bỏ quy định cho thuê/giao đất tối đa 99 năm thì đặc khu chẳng còn đặc biệt nữa. Lúc đó, các đặc khu chỉ còn xác định đưa ra một số ngành nghề được khuyến khích ưu đãi đầu tư vì mang tính đặc thù, cụ thể là ưu đãi về thuế, miễn tiền sử dụng đất, thuê đất... Những nội dung nào không xác định thuộc ngành nghề khuyến khích ưu tiên thì được tự do hoạt động nếu pháp luật không cấm.

"Nói thực là giảm thời gian cho thuê đất xuống như quy định hiện nay, theo nhận định của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo, hầu hết các cơ chế đặc thù cũng không còn gì, không cao nữa" - ông Xuyền chia sẻ.

Ông Xuyền nhấn mạnh thêm: "Với dự án luật này, dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ và thực tế chưa có luật nào làm công phu như thế, tất cả bộ, ngành đều vào cuộc để làm. Cá nhân tôi nghĩ nên thông qua dự án luật trong kỳ họp này". 

Cảnh sát biển có thuộc lực lượng vũ trang?

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam, nhiều ĐB nhất trí với sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm và còn có quan điểm trái chiều là quy định về vị trí của lực lượng này.

Khoản 1 điều 8 dự thảo luật quy định CSB Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), là lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Theo ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), không nên ghi trong luật là CSB thuộc LLVTND vì đây là "vấn đề nhạy cảm". Nếu quy định như vậy, vô hình trung sẽ phải sử dụng LLVTND, tức sử dụng quân đội để xử lý những xung đột trên biển về mặt dân sự. "Hiện nay, trên thế giới cũng có rất nhiều nước có lực lượng giống như CSB của Việt Nam, họ có những tên gọi khác nhau nhưng không bao giờ họ đặt trực thuộc vào Bộ Quốc phòng" - ông Tuấn góp ý.

Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM) nhấn mạnh xác định CSB là LLVTND "không ngại gì với quốc tế", bởi lẽ hiện nay, tình hình vùng biển của Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp và khó lường. "Nếu như không xác định là LLVTND, tăng cường sức mạnh và phương tiện, trang bị, quản lý vùng biển thì rõ ràng đánh mất vai trò của lực lượng CSB" - ĐB Hoàng bày tỏ.

Loại 3 dự án luật khỏi chương trình năm 2018

Thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Chiều 8-6, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 với 87,47 % ĐB tán thành. Theo đó, 3 dự án luật được đưa ra khỏi chương trình năm 2018 là Luật Dân số, Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Công an xã.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, QH sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến vào 9 dự án luật. Trong các dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 7, đáng chú ý có dự án Luật Hành chính công do ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - người trình sáng kiến dự án luật - làm trưởng ban soạn thảo. Điều này được xem là một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam vì hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo. Tại kỳ họp thứ 8, sẽ trình QH thông qua 9 luật, trong đó có: Bộ Luật Lao động (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Trước đó, sáng cùng ngày, với 88,3% ĐB tán thành, QH đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) với 7 chương 40 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi ĐB "bấm nút", Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về phạm vi hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng với việc làm kinh tế đơn thuần.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, hiện Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng, từ 88 xuống còn 17 doanh nghiệp. Với sắp xếp này sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo