xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị trường đau đáu với những bức xúc cũ

PHAN ANH - TRƯỜNG HOÀNG - Ý LINH

Nghị trường tiếp tục "nóng" những bức xúc chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả từ chính quyền như ngập nước, kẹt xe, xây dựng không phép

Sáng 10-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX đã khai mạc. Thảo luận nội dung quan trọng của kỳ họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2018, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ băn khoăn về tình trạng kẹt xe, ngập nước, xây dựng không phép… trên địa bàn.

Lẽ nào thua ngập, kẹt?

ĐB Nguyễn Thị Kim Dung phản ánh Quốc lộ 50 đi qua địa bàn huyện Bình Chánh thường xuyên bị ngập, dù UBND TP đã có chỉ đạo xử lý nhưng vẫn rất chậm. "Người dân rất bức xúc khi đi hết quận Bình Tân không thấy ngập, qua Bình Chánh thì gặp ngập nước. Cần có giải pháp rõ ràng đối với trường hợp này" - ĐB Dung nêu. Ngoài ra, bà Dung còn cho rằng để giảm ngập hiệu quả thì khâu nạo vét sông, kênh, rạch nên phân cấp về cho quận - huyện nhiều hơn để địa phương chủ động. Đồng tình, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân nói bên cạnh việc phân quyền cho quận - huyện cần tuyên truyền ý thức chống ngập cho người dân sâu hơn, nhất là đang trong mùa mưa này. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Tô Thị Bích Châu nhận định vẫn còn một bộ phận người dân chưa quan tâm chung tay giảm ngập. Trong đó, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước, kênh, nắp cống, hố ga vẫn cứ thế tồn tại. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước, ứ nước, ô nhiễm môi trường. "Đề nghị các cấp chính quyền xử phạt thật nghiêm những hành vi làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường của TP" - bà Châu yêu cầu.

Nghị trường đau đáu với những bức xúc cũ - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) trao đổi với Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm (giữa) cùng Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (thứ 2 từ trái sang) bên lề kỳ họp Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

ĐB Nguyễn Tấn Tuyến nhấn mạnh ngập nước đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhất là khu vực cửa ngõ TP. Điển hình là ngã ba Tân Kiên (từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh). Ngoài ngập nước, đoạn đường này cũng thường xuyên bị ùn ứ giao thông. TP cũng thấy vấn đề này nên các năm trước đã có dự án nâng cấp với số tiền đầu tư lên đến 180 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chậm triển khai. Theo ĐB Tuyến, thấy được vấn đề này nên HĐND khóa trước đã ban hành nghị quyết phân bổ 180 tỉ đồng để lập dự án nâng cấp Quốc lộ 1 nhưng đến nay vẫn vậy. "Ngày mưa, triều cường thì không thể tưởng tượng nổi. Ngập nước, ùn xe. Nếu cách đây 6 năm triển khai quyết liệt thì đã giảm được tình trạng này" - ĐB Tuyến ngán ngẩm.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cho biết vừa qua sở cũng đi khảo sát khu vực này. Đây cũng là các dự án lớn, trọng điểm liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên sở sẽ làm việc với quận Bình Tân, huyện Bình Chánh khắc phục tình trạng này. Sở cũng thường xuyên cập nhật tình hình giao thông và ngập nước ở đây. Đại diện Sở GTVT cho biết thêm đối với dự án cải tạo mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An thuộc dự án đầu tư bổ sung cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 An Sương - An Lạc thuộc địa phận TP HCM. Tuy nhiên, dự án này đang tạm ngừng vì nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước việc này, sở đã kiến nghị TP đầu tư theo ngân sách TP. Trong khi chờ TP đồng ý, sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để sửa chữa, lắp các biển cảnh báo giao thông những đoạn đường hư hỏng, đồng thời phối hợp với đơn vị chống ngập để xử lý khi có ngập nước.

Bỏ ngỏ lý do nhà không phép, sai phép tràn lan!

Câu chuyện "nóng" nhà không phép, trái phép tiếp tục được các ĐB đề cập. ĐB Cao Thanh Bình cho biết trong 1.024 trường hợp vi phạm có đến 351 không phép, 526 sai phép. "Đây là tỉ lệ rất cao, trên 80%. Trong khi đó, số lượng kiểm tra công trình xây dựng lại giảm khi tình hình ngày càng diễn biến phức tạp" - ông Bình nói. Theo ông Bình, lẽ ra phải tăng cường kiểm tra công trình thì lại giảm đến 18.390 lượt, so với cùng kỳ giảm hơn 35%. Ông đặt vấn đề: "Tôi muốn các ngành có liên quan phân tích vì sao. Cán bộ thiếu hay tập trung vào lĩnh vực nào khác mà số lượng kiểm tra lại giảm đi như vậy? Có phải do thiếu tăng cường kiểm tra mà số lượng không phép, sai phép tăng?".

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Kim Hồng cho hay một trong những vấn đề người dân bức xúc nhất chính là việc quản lý sử dụng đất công bởi đất công TP quản lý còn lãng phí lớn dù chuyện này không phải là mới.

Trả lời ĐB, đại diện Sở Xây dựng TP cho biết việc số lượng kiểm tra vi phạm xây dựng giảm hơn 35% là do số giấy phép xây dựng đã giảm. Vị này nói một công trình xây dựng với một giấy phép xây dựng từ khi khởi công đến khi hoàn thành bị kiểm tra ít nhất 3 lần. Còn số lượng giấy phép xây dựng giảm là do số lượng xây dựng không phép giảm 50%, địa phương cũng tăng cường phối hợp tuần tra các địa bàn nên xây dựng không phép giảm (?!).

Liên quan đến nguồn lực đất đai, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua Thủ tướng đã đồng ý cho TP chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. "Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá" - ông Nhân nói. Lý giải về việc chuyển đổi đất, ông Nhân nhìn nhận nguồn lực đất đai của TP dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác. 

Tổng kiểm tra cơ sở mầm non ngoài công lập

Báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hồng Sơn khẳng định tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non với phương châm bảo đảm cho trẻ phát triển tốt hơn, đồng thời giảm tải lao động cho giáo viên. Tiếp tục thực hiện nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi đại trà tại 24 quận - huyện. Đặc biệt, sẽ thực hiện đúng tiến độ kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại KCX, KCN trên địa bàn TP từ năm 2016-2020".

"Tổng kiểm tra, rà soát công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại tất cả 24 quận - huyện; xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát, lấy ý kiến việc thực hiện lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở giáo dục mầm non" - ông Sơn nói.

Yêu cầu Đà Nẵng công khai tất cả dự án vi phạm

Kiến nghị giải quyết dứt điểm BOT Cai Lậy

Ngày 10-7, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu Trương Minh Hải nói rằng trong tổng cộng 37 dự án ven biển, còn nhiều dự án vi phạm. Các vi phạm phổ biến là giao đất không qua đấu giá, xác định thời hạn thuê đất chưa đúng quy định, nhiều trường hợp chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đây, ông Hải đề nghị tổng hợp tất cả dự án vi phạm để công khai cho người dân biết.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thông tin UBND TP Đà Nẵng đang thực hiện thu hồi khoảng 11 khu vực các dự án để làm bãi tắm, không gian công cộng. Tuy nhiên, việc thu hồi, cắt giảm các dự án phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích, đặc biệt phải đúng quy định. Trước thực tế này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nhận xét cơ quan chức năng đã bàn nhiều về việc thu hồi các dự án ven biển chậm triển khai nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được thu hồi do vướng luật. Ông Trung đề nghị các đại biểu nghiên cứu và hiến kế để Đà Nẵng sớm thu hồi các dự án chậm triển khai theo đúng quy định của pháp luật.

* Sáng cùng ngày, ở kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Tiền Giang, thông qua tổng hợp ý kiến, cử tri đề nghị giải quyết dứt điểm về BOT Cai Lậy. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết các kiến nghị cử tri sẽ được đại biểu họp phiên thảo luận và trả lời trong kỳ họp này.

* Liên quan đến đề án "Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP Cần Thơ, tại Trường Đại học California, Riverside - Hoa Kỳ giai đoạn 2018-2020", do UBND TP Cần Thơ trình tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, chiều 10-7, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ, đã có giải trình cụ thể. Theo ông Ba, đề án trên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của TP Cần Thơ, xác định nhân lực là 1 trong 3 khâu đột phá. "Nhiều đại biểu đặt ra vấn đề là mời giảng viên nước ngoài về thỉnh giảng cho cán bộ thì trong đề án chưa nêu. Sở Nội vụ ghi nhận ý kiến của đại biểu, nếu được sẽ tham mưu cho UBND TP mời giảng viên ở Riverside về giảng dạy cho cán bộ TP" - ông Ba nói. Đề án sẽ tổ chức 4 lớp bồi dưỡng tại Trường ĐH California với 80 cán bộ, công chức, viên chức. Tổng kinh phí dự kiến cho những cán bộ này đi bồi dưỡng là hơn 10 tỉ đồng (chi từ nguồn ngân sách), thời gian đào tạo khoảng 14 ngày.

B.VÂN - M.SƠN - C.LINH

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo