xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sạt lở tấn công ĐBSCL (*): Con người là thủ phạm

Thanh Vân - Ca Linh - Vân Du

Lượng bùn cát suy giảm do việc xây đập thủy điện tại thượng nguồn, lấn chiếm kênh rạch, phát triển đê bao ngăn mặn, khai thác cát, nước ngầm vô tội vạ... đã gây ra hậu quả nghiêm trọng

Theo các chuyên gia, ĐBSCL là vùng đất trẻ với nền đất yếu nên rất dễ bị xâm thực, bào mòn nhanh trước sự tác động của sông nước, biên độ chênh lệch của đỉnh triều - chân triều và nhiều dòng sông giao nhau làm cho dòng chảy không bình thường, tạo ra dòng chảy xoáy tác động mạnh vào hai bên bờ sông. Ngoài những nguyên nhân trên, việc dân cư phát triển nhanh, tăng mật độ xây dựng nhà ở bê-tông kiên cố, các công trình kho bãi nhà máy và giao thông… gần bờ sông làm tăng tải trọng vượt khả năng chịu tải của bờ sông cũng góp phần gây sạt lở đất.

Sạt lở trên diện rộng

"Theo kết quả quan trắc mới nhất, toàn tỉnh An Giang hiện có 51 đoạn bờ sông, khoảng 161 km được cảnh báo sạt lở từ trung bình đến rất nguy hiểm. Trên tuyến sông Tiền bắt đầu từ thị xã Tân Châu chạy dọc xuống các huyện Phú Tân, Chợ Mới có 11 đoạn bờ sông với hơn 48 km được cảnh báo sạt lở. Trong số này, khu vực các xã biên giới và dọc bờ kè bảo vệ khu hành chính của UBND thị xã Tân Châu gần 16 km là đoạn được cảnh báo nguy hiểm nhất" - ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết.

Sạt lở tấn công ĐBSCL (*): Con người là thủ phạm - Ảnh 1.

Xây nhà lấn chiếm sông, rạch là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở Ảnh: VÂN DU

Dọc đôi bờ sông Hậu từ huyện An Phú đến TP Long Xuyên, đơn vị chức năng đã cảnh báo 26 đoạn sông với hơn 75 km có nguy cơ sạt lở. Trong đó, một số đoạn xảy ra sạt lở mạnh, liên tục và hiện có nhiều nhà dân và cơ sở sản xuất ven sông nên tiềm ẩn nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, thông tin: "Do mùa lũ năm 2018 về đây sớm và duy trì ở mức cao (báo động II đến báo động III) đã gây thiệt hại khá lớn đối với hệ thống đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu ở 22 xã, phường, thị trấn của 8 huyện trong tỉnh với tổng chiều dài hơn 26,4 km. Kết quả khảo sát cho thấy "hà bá" đã nuốt chửng hơn 6 ha đất ven bờ với tổng thiệt hại về đất khoảng 13,2 tỉ đồng. Riêng số vụ sạt lở trên các tuyến kênh cũng đã gây thiệt hại gần 1,6 tỉ đồng với hơn 8.500 m2 đất bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, nhận định tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh này cũng có diễn biến ngày càng phức tạp. Tại nhiều bờ sông ở các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành và TP Rạch Giá, sạt lở xuất hiện có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp các công trình và đời sống của người dân. Tổng chiều dài sạt lở bờ sông trên toàn tỉnh này là hơn 195 km với nhiều mức độ khác nhau. Ước tổng kinh phí để phòng chống và khắc phục sạt lở đối với các khu vực này là hơn 304 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, địa phương này đã mất khoảng 8.870 ha rừng ven biển do tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở... Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở khoảng 5,7 km với những đoạn ăn sâu vào trong khiến nguy cơ vỡ đê rất cao. Tại bờ biển Đông, khoảng 4,8 km bị xói lở, trong đó hơn 2,4 km thuộc diện sạt lở nguy hiểm.

Nhiều rừng phòng hộ bị xóa sổ

Khi sạt lở xảy ra ngày càng nhanh và trên diện rộng tại ĐBSCL, ngành chức năng và nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân chính là do suy giảm bùn cát từ việc thượng nguồn xây dựng hồ chứa. Theo quy hoạch của các nước, trên dòng chính sông Mê Kông có 19 đập thủy điện. Đến năm 2012, Trung Quốc đã xây 6 đập, trong đó có 2 hồ lớn dung tích 22,2 tỉ m3, Lào đang xây 2 đập. Trên dòng nhánh, Lào dự kiến xây dựng 91 công trình (49,3 tỉ m3), Campuchia 12 đập, Thái Lan 25 đập, Việt Nam 14 đập. Tất cả công trình trên dòng chính và dòng nhánh làm suy giảm bùn cát nghiêm trọng. Nếu như năm 2007, lượng phù sa về ĐBSCL là hơn 143 triệu tấn thì dự báo đến năm 2020 chỉ còn 47,4 triệu tấn (giảm 67% so với năm 2007), đến năm 2040 các đập hoàn thành sẽ giữ lại 97% bùn cát, lượng phù sa chỉ còn về ĐBSCL là 4,5 triệu tấn.

PGS-TS Đinh Công Sản (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - SIWRR) từng cho rằng ngoài nguyên nhân do các đập thủy điện ở thượng nguồn thì phải kể đến các tác động của con người làm gia tăng xói lở, như chặt phá rừng để nuôi trồng thủy sản làm rừng bị suy thoái nhanh (ước tính mỗi năm mất rừng và mất đất khoảng 500 ha), khai thác nước ngầm quá mức, phát triển đê bao, đê ngăn mặn, kênh tưới tiêu... Qua khảo sát của SIWRR, tiểu vùng ven cửa sông Cửu Long (từ TP HCM đến Sóc Trăng) xu thế bồi tụ vượt trội so với xói lở. Phần lớn tiểu vùng này trong xu thế bồi nhưng tỉ lệ bồi lắng đã giảm rất mạnh so với thời kỳ trước năm 2000 do phù sa về ĐBSCL ngày càng suy giảm. Trong tiểu vùng cũng có một số điểm xói lở khá mạnh như: Gò Công, Hiệp Thạnh, Nhà Mát, Gành Hào. Tiểu vùng từ Sóc Trăng đến mũi Cà Mau có xu thế xói vượt trội, hiện tượng xói lở xảy ra trên hầu hết đoạn bờ biển này, tốc độ xói lở khoảng 10-30 m/năm tùy theo vị trí, thời gian và mức độ xói lở. Hệ quả là nhiều rừng phòng hộ trước tuyến đê biển đã bị thu hẹp dần, thậm chí bị mất hoàn toàn. Ở khu vực bờ biển Tây, tốc độ xói lở từ 15-20 m/năm, có đoạn lên 40-50 m/năm trong những năm có sóng lớn. 

Kỳ cuối: "Đau đầu" tìm giải pháp

Cảnh báo tiếp tục sạt lở

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, hệ quả của quá trình chuyển pha sang trạng thái El Nino đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2018 là mùa bão kết thúc sớm nên đầu năm 2019 ít mưa hơn so với bình thường. Bên cạnh đó, lượng nước từ thượng nguồn về thiếu hụt so với trung bình nhiều năm nên mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, chênh lệch mực nước lớn. Vì vậy, dự báo khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở tại các khu vực được cảnh báo là rất cao.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo