xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp phép ca khúc xưa: Không xin- cho thì là gì?

Huy Nguyên

Nếu Cục Nghệ thuật Biểu diễn không sai khi cấp phép ca khúc xưa, vậy thì Nghị định 79/2012/NĐ-CP có vấn đề, cần được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế cuộc sống

Công luận sôi sục trong mấy ngày qua khi thông tin về đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” do Trường ĐH Y Dược Huế và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dự kiến tiến hành đêm 21-4 đã gặp khó khăn trong khâu tổ chức. Cụ thể, 4 ca khúc sử dụng trong chương trình này không có trong danh mục các bài hát trước năm 1975 được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cấp phép phổ biến: “Nối vòng tay lớn”, “Huế - Sài Gòn - Hà Nội”, “Ca dao mẹ” và “Đêm thấy ta là thác đổ”. Đại diện lãnh đạo Cục NTBD khẳng định trong buổi họp báo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 12-4 là họ làm đúng quy định của pháp luật, chưa xin phép nên chưa cho.

Nói không như làm

Trước nhu cầu sử dụng ca khúc xưa của xã hội và áp lực của công luận chỉ trích cơ chế xin - cho trong việc cấp phép, cách đây gần 4 năm, Cục NTBD có thông báo gửi các sở văn hóa - thể thao và du lịch đề nghị thu thập những bài hát được sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và bài hát do các nhạc sĩ Việt kiều sáng tác tại hải ngoại để tiến hành xét duyệt, công bố rộng rãi cho mọi người biết, sử dụng.


Các em thiếu nhi của trường Soul Academi mở màn đêm nhạc Nối vòng tay lớn kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc chủ đề “Nối vòng tay lớn” (ảnh do chương trình cung cấp)

Các em thiếu nhi của trường Soul Academi mở màn đêm nhạc Nối vòng tay lớn kỷ niệm 15 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca khúc chủ đề “Nối vòng tay lớn” (ảnh do chương trình cung cấp)

Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, lúc ấy hào hứng nói rằng khuyến khích tất cả đơn vị, cá nhân nào có bài hát trước năm 1975 chưa được cấp phép tập hợp gửi về cục để thẩm định cấp phép, số lượng càng nhiều càng tốt. Ông Chương cũng nhấn mạnh không thể có chuyện những tác phẩm hay lại bị cấm, không bao giờ nhà quản lý làm chuyện ngược đời như vậy.

Theo ông Chương, từ trước đến nay, việc thẩm định và cho phép phổ biến không thường xuyên nên gây ra sự phiền hà cho người có nhu cầu sử dụng, khiến người dân hiểu lầm là cơ quan quản lý nhà nước khắt khe, làm khó. Còn khi tập hợp được khối lượng ca khúc tương đối tốt, hội đồng nghệ thuật sẽ thẩm định dần và cục sẽ cấp phép dựa trên kết quả thẩm định này.

Các cơ quan quản lý văn hóa địa phương và người trong giới đã đồng tình ủng hộ, xem đây là động thái tích cực nhằm hướng đến mục đích quản lý tốt chất lượng nội dung các ca khúc, quản lý tốt hoạt động sản xuất băng đĩa, biểu diễn. Qua đó, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này hoạt động thuận lợi.

Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết chị đã gửi tới Cục NTBD bản sao hơn 3.000 ca khúc sáng tác trước năm 1975 mà mình tập hợp được để ủng hộ việc làm của cục. Không chỉ ca sĩ, các hãng băng đĩa cũng cho biết đã gửi danh mục bài hát cho Cục NTBD với kỳ vọng cách làm đổi mới này giúp họ tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ chế xin - cho vẫn y như cũ, nghĩa là không ai làm đơn xin thì không cho phép. Số lượng ca khúc được cấp phép trong diện này vẫn nhỏ giọt theo từng hồ sơ xin phép gửi đến Cục NTBD.

Mấu chốt gây rắc rối

Một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có “Nối vòng tay lớn”, đã được Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) cấp phép sản xuất băng đĩa nhạc, biểu diễn trước khi có Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và được Cục NTBD cấp nhãn kiểm soát dán trên các băng đĩa ấy nhưng vẫn không được đơn vị này chấp nhận đưa vào danh sách bài hát đã được cấp phép phổ biến. Muốn sử dụng, đơn vị, cá nhân có nhu cầu phải làm hồ sơ xin phép Cục NTBD như những ca khúc chưa được cấp phép khác.

Đây là mấu chốt gây rắc rối cho những bài hát đã được các địa phương cấp phép. Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đã nhiều lần đề nghị Cục NTBD xem xét hợp thức hóa các ca khúc mà sở cấp phép trước khi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ban hành nhưng vẫn chưa được chấp thuận.


Bìa album  Ru ta ngậm ngùi do Trung tâm Băng nhạc Rạng đông sản xuất, sở Văn hóa- Thông tin TP HCM cấp phép; Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp tem kiểm soát, có bài hát Đêm thấy ta là thác đổ do ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện. Nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không công nhận là bài hát đã được cấp phép vì vậy không có trong danh mục của cục. Ảnh: Huy Nguyên

Bìa album " Ru ta ngậm ngùi" do Trung tâm Băng nhạc Rạng đông sản xuất, sở Văn hóa- Thông tin TP HCM cấp phép; Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp tem kiểm soát, có bài hát "Đêm thấy ta là thác đổ" do ca sĩ Trần Thu Hà thể hiện. Nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không công nhận là bài hát đã được cấp phép vì vậy không có trong danh mục của cục. Ảnh: Huy Nguyên

Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên khẳng định: “Đây không phải là những tác phẩm mới mà là những tác phẩm từng được cấp phép lưu hành nên sau khi chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, Cục NTBD phải cho lưu hành bình thường chứ không thể bắt gia đình hay thân nhân các nhạc sĩ xin phép rồi mới cho lưu hành trở lại. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi”.

Thế nhưng, trả lời báo chí về bài hát “Nối vòng tay lớn”, ông Nguyễn Đăng Chương cho hay từ xưa đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra xin cấp phép phổ biến ca khúc này. Vì thế, “theo quy định pháp luật” là không thể cấp phép.

Trong buổi họp báo của Bộ VH-TT-DL ngày 12-4, trả lời các phóng viên, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, cho rằng việc thẩm định và cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 phải tuân theo quy định của pháp luật. Quy định mà ông Hoàn đề cập chính là Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu...”. Nếu Cục NTBD không sai, vậy thì Nghị định 79/2012/NĐ-CP có vấn đề, cần được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Cần sửa điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP

Điều 29: Phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu

1. Tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm phải thực hiện quy định tại khoản 3 điều này và các quy định của pháp luật về xuất bản.

3. Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục NTBD. Hồ sơ gồm:

a) 1 đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 ở các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Mẫu số 08);

b) 1 bản sao bản nhạc hoặc kịch bản sân khấu (có chứng nhận của tác giả chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện quyền tác giả);

c) 1 bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của tác giả (đối với cá nhân đề nghị cho phép phổ biến);

d) 1 bản sao chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với tổ chức đề nghị cho phép phổ biến);

đ) 1 bản sao chứng thực văn bản nhận xét của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại (đối với cá nhân đề nghị phổ biến lần đầu);

e) 1 bản ghi âm có nội dung tác phẩm.

(Trích Nghị định 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 “Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu”).

“Tạm dừng chứ không phải cấm”

Những câu hỏi liên quan đến việc cấp phép ca khúc, cấm ca khúc trước năm 1975 mà các phóng viên liên tiếp đưa ra đã làm “nóng” cuộc họp báo thường kỳ quý I/2017 của Bộ VH-TT-DL vào chiều 12-4 ở Hà Nội.

Từ chuyện cấm 5 ca khúc ra đời trước năm 1975 và “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn chưa được cấp phép phổ biến, các phóng viên đặt hàng loạt câu hỏi về những bất cập trong việc cấp phép: Liệu đây có phải là cơ chế “xin - cho”? Có nên lập danh sách các bài hát bị cấm, còn nếu không cấm thì được tự do sử dụng, hát và biểu diễn? Bài hát “Nối vòng tay lớn” đã được biểu diễn rất nhiều, vậy tại sao đến thời điểm này Cục NTBD mới có ý kiến là chưa được cấp phép?

Ông Đào Đăng Hoàn cho rằng “rất cần thông cảm” trong vấn đề quản lý văn hóa hiện nay. Việc này được thực hiện theo Công ước Bern có từ năm 1886, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2004. Vấn đề không chỉ một sớm một chiều giải quyết được dù hết sức cố gắng.

Từ chuyện “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép đến việc lập danh sách các ca khúc cấm, còn ca khúc không cấm thì được phép hát, ông Hoàn thừa nhận: “Không phải là không cấp phép mà là chưa. Làm sao chúng tôi biết bài nào để cấm, làm sao để thu thập tất cả các bài hát? Phải qua xin phép, thẩm định mới cấm được”. Cho rằng không có cơ chế “xin - cho” ở đây, ông Hoàn nhấn mạnh việc cấp phép được làm đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục NTBD, khẳng định với 5 ca khúc bị dừng lưu hành mà dư luận đang quan tâm, cục “tạm dừng chứ không phải là cấm”. Quyết định thu hồi được thực hiện trên cơ sở Nghị định 79/2012: Khi phát hiện vi phạm thì ra quyết định xử phạt. Ông Tuấn cho biết ca khúc “Nối vòng tay lớn” vẫn được cấp phép biểu diễn từ trước đến nay, đó là sự thật. Song, Cục NTBD cũng không thể nói sai luật vì đúng là ca khúc này chưa được cấp phép. Dương Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo