xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chốt hạ vụ “thơ Lưu Quang Vũ”

LÊ MINH QUỐC

Sở dĩ đề nghị như trên là bởi theo chúng tôi, cách so sánh tiếng Việt “như bùn” của tác giả là đã chuẩn mực, tài hoa lắm rồi…

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội bàn tán ầm ĩ, có nhiều ý kiến khác nhau về đề thi môn văn của kỳ thi THPT quốc gia. Đề thi này trích đoạn bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn văn bản từ tập sách “Thơ Việt Nam 1945-1985” (NXB Giáo dục, 1985, tr.218).

Thật như bùn, ảo như lụa

Câu thơ gây tranh cãi là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trước đây, học sinh được tiếp cận với văn bản: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Nhiều người cũng đã thuộc như vậy. Do đó, một khi đề thi có khác đi một vài chữ, lập tức nhiều ý kiến phản đối mà ai cũng cho mình có lý. Trước nhiều ý kiến tranh luận, gia đình cố nghệ sĩ Lưu Quang Vũ có trưng ra bút tích của tác giả nhưng rồi thiên hạ cũng không tin. Đa số cho rằng không thể dùng từ “bùn” trong ngữ cảnh này.

Bản thảo viết tay của tác giả Lưu Quang Vũ ghi rõ “tiếng Việt như bùn…” (Ảnh do PGS-TS Lưu Khánh Thơ cung cấp)
Bản thảo viết tay của tác giả Lưu Quang Vũ ghi rõ “tiếng Việt như bùn…” (Ảnh do PGS-TS Lưu Khánh Thơ cung cấp)

Một loạt câu thơ có từ “bùn” được lôi ra nhằm minh chứng không thể sử dụng “bùn”. Chẳng hạn, “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Nếu bùn là quý, chẳng ai rũ đâu! Rồi ai lại không nhớ đến câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán rất cực đoan khi đề nghị: “Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian”, đơn giả chỉ vì: “Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen”, là sen mọc lên từ chỗ thấp kém, tăm tối nhất. Trần Vàng Sao có câu thơ cũng nhắc đến: “Một vết bùn khô trên mặt đá”. Lại nữa, trong tập thơ “Xem đêm” của Phùng Cung có câu: “Va dấu chân em/ Khô bùn để lại”. Rõ ràng, bùn chẳng “sáng giá” mảy may gì cả. Trong lời ăn tiếng nói của người Việt còn có: “chân lấm tay bùn”, “bùn lầy nước đọng”, “đánh bùn sang ao”, “rẻ như đất bùn”… Bùn chẳng hề “sang trọng”, “vẻ vang” gì. Thế mà đem so sánh bùn với tiếng Việt ư?

Vô lý quá đi mất!

Theo tôi, nhà thơ Lưu Quang Vũ dùng từ “bùn” là chuẩn xác và cực kỳ tài hoa.

Thử hỏi, có thể hiểu “bùn” như các câu thơ, thành ngữ vừa nêu trên? Hoàn toàn không. Theo “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), có nhiều loại “bùn” như bùn hoa, bùn lầy, bùn lu, bùn non… Dù tên gọi khác nhau nhưng ai cũng biết đó là một thứ đất nhuyễn, mịn, đen sẫm do hòa lẫn trong nước lâu ngày, chưa kết rắn; trong điều kiện tự nhiên thì nhão, khi sấy khô thì rắn. Nếu bùn chính là đất đã “thuần hóa” đến mức cao nhất thì tiếng Việt đã hoàn chỉnh và hoàn toàn có sức mạnh và khả năng đó. Nói cách khác, mọi sự việc/sự vật đều được tiếng Việt diễn đạt rất “chân”, rất “chuẩn” đến mức tuyệt đối. Khi so sánh “Ôi tiếng Việt như bùn…” là tác giả muốn nhấn mạnh đến sự “thuần túy” của tiếng Việt - có khả năng phản ánh đúng bản chất của sự việc/sự vật. Nó có khả năng diễn tả một cách nhuần nhuyễn, chính xác mọi thông tin nếu cần phải thông báo.

Tuy nhiên, không chỉ có thế, Lưu Quang Vũ còn rất tinh tế, ý thức khi không dừng lại “như bùn” mà theo anh, tiếng Việt còn là “như lụa”. Sự gợi cảm, uốn éo, lả lơi, phóng khoáng, đa dạng… của tiếng Việt cũng như lụa trước gió, luôn linh hoạt, uyển chuyển. Đâu phải bất kỳ trường hợp nào, tình huống nào cũng dùng đúng, dùng “chân” như từ vốn có. Mà người Việt còn có cách “nói trớ” đi nhằm kín kẽ hơn, “mềm hơn”, thanh lịch hơn, uyển chuyển như lụa. Hễ ai “có tật giật mình” chứ cần gì phải “nói toạc móng heo”. Trí khôn của người Việt còn là ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói.

Và sức mạnh của tiếng Việt chính là sự kết hợp của cả hai yếu tố: “thật” (như bùn) và “ảo” (như lụa).

Tất cả đều có dụng ý

Có hiểu như thế và phải thấy rằng không phải ngẫu nhiên câu kế tiếp là: “Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Xin đừng quên, tác giả dùng “tre ngà” tức tre đằng ngà, tre có màu vàng tươi, sọc xanh, thường trồng làm cảnh vì sắc màu nó đẹp nên mới có từ “óng”. Tre phải cứng, thẳng, chặt đổ nó không dễ. Do đó, mới có câu: “Nhất chặt tre, nhì ve gái” nhằm chỉ 2 việc không dễ dàng chút nào. Câu thơ này cho thấy sức mạnh của tiếng Việt còn chính là sự kết hợp của cả hai yếu tố “cứng” (như tre) và “mềm” (như tơ) là vậy.

Một thi sĩ thượng thừa cỡ Lưu Quang Vũ khi dùng từ ắt có ý, có tứ chặt chẽ. Rằng, tiếng Việt “thật” và “ảo”; “cứng” và “mềm” thiên biến vạn hóa… Có như thế, dù rằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ dẫu có chưa hoàn thiện còn phải cải tiến, thay đổi gì đi nữa thì không thể phủ nhận một sự thật hiển nhiên: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói”. Hai từ “vẹn tròn” đắc địa làm sao!

Bàn về một văn bản, nhất là với thơ, một khi không có ý kiến của tác giả, cách tốt nhất là phải có khả năng thẩm thấu và biết phân tích. Nếu không, cứ phát biểu theo cảm tính thì cách làm đó rất xa lạ với thơ. Còn nhớ, câu thơ của Tố Hữu: “Người đi quấn áo chen chân/Ờ sao như đã quen thân từ nào?”, vậy mà có nhiều văn bản lại quyết sửa thành “quần áo”. Giết thơ đấy ư? Xin đừng quên ngữ cảnh của câu thơ trên là diễn tả người tù bị xích chung tay trên đường đi đày lên Đắc Lay, vì thế mới có từ “quấn áo” là vậy.

Lại nhớ lúc hội thảo khoa học về nhà thơ Bùi Giáng tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu tâm đắc với câu thơ của tác giả “Mưa nguồn”: “Ngoài vườn nụ đứng, nụ đằm”. Lập tức, có tiếng xì xào cho rằng anh nhớ sai câu thơ trên vì theo tiểu đối: “đứng” sóng đôi với “nằm/ngồi” thì hợp lý hơn. Chẳng lẽ cỡ Bùi Giáng mà lại không biết điều đó? Nghe ra có lý nhưng cái lý đó lại trật lất bởi thi pháp của Bùi Giáng là bất chấp sự có lý mà cố tình lái qua một hướng khác. Văn bản của anh Nhật Chiêu là đúng vì Bùi Giáng cũng đã từng viết: “Một lần thấy một ra ba/Một lần thấy một mà ra bốn lần”. Tại sao “bốn lần”? Có như thế mới là “phong cách” thơ của Bùi Giáng lúc cà rỡn, bông phèn.

Trở lại với sự tranh luận về bài thơ của Lưu Quang Vũ, dám quả quyết rằng văn bản của gia đình tác giả trưng là chính xác chứ không hề “ngụy tạo” như ai đó đã hồ đồ, không có căn cứ. Câu chữ của nó đúng như trong đề thi: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

Cũng trong bài thơ “Tiếng Việt”, một dịp khác, chúng tôi sẽ trở lại với văn bản: “Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình”/“Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt xót xa tình”. Đâu là câu đúng của Lưu Quang Vũ?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo