xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm mới phim cũ, tại sao không?

TIỂU QUYÊN

Trong tình hình phim truyền hình và điện ảnh khan hiếm kịch bản hay, làm mới những bộ phim nổi tiếng một thời là điều các nhà làm phim nên nghĩ đến

Phim Việt đã từng có một thời vàng son, tạo dựng nên tên tuổi cho nhiều diễn viên bằng những bộ phim có sức sống vượt thời gian. Nhiều thập kỷ qua, những bộ phim có giá trị này bị bỏ quên, ngủ yên trong ký ức của nhiều thế hệ mà lẽ ra rất cần được trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ hôm nay trong những hình hài mới.

Nhiều phim có giá trị

Màn ảnh nhỏ của nhiều thập kỷ trước đã từng có những bộ phim đầy sức sống, thu hút từ đề tài lịch sử đến tâm lý xã hội, tình cảm lãng mạn. Không kể đến bộ phim Đất phương Nam đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử điện ảnh - truyền hình thì những bộ phim: Phạm Công - Cúc Hoa, Ván bài lật ngửa, Giã từ dĩ vãng, Sương gió biên thùy, Đồng tiền xương máu, Vị đắng tình yêu, Người đẹp Tây Đô, Lục Vân Tiên, Những ngọn nến trong đêm, 12A và 4H, Nước mắt học trò, Mẹ con Đậu Đũa, Xóm nước đen... cũng đã từng khẳng định giá trị một thời.

Đạo diễn Phương Điền, người đã từng góp phần làm nên thành công cho bộ phim Lục Vân Tiên, bày tỏ: “Tôi cho rằng làm mới những bộ phim ăn khách một thời là ý tưởng rất hay, cần được khuyến khích. Cho dù là lịch sử hàng trăm năm hay những câu chuyện từng làm say đắm khán giả một thời thì vẫn còn giữ nguyên vẹn đó giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật đã ăn sâu vào lòng khán giả. Bây giờ nếu làm lại cho thế hệ khán giả sau này, mỗi câu chuyện sẽ được phả hơi thở thời đại, trong cách thể hiện mới mẻ, hiện đại”.

Biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ - từng rất thành công với những kịch bản phim truyền hình: Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời, Của để dành - có cùng góc nhìn: “Tôi cũng từng đặt câu hỏi tại sao nhiều hãng phim không quan tâm đến việc làm lại những bộ phim có giá trị một thời. Nhất là những phim về lịch sử, danh nhân văn hóa, thậm chí là phim truyện cổ tích, rất cần được làm lại. Đó là những đề tài không bao giờ cũ, càng được làm nhiều càng khai thác được nhiều khía cạnh, vấn đề mà bộ phim trước đó có thể chưa thể hiện được hết”.

img
Vân Trang và Quý Bình trong phim Sông dài, một kịch bản chuyển thể từ vở cải lương
 nổi tiếng cùng tên của Hà Triều - Hoa Phượng (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Thành công từ bộ phim Hoa cỏ may của hơn 10 năm trước - bộ phim tạo nền tảng cho các gương mặt lần đầu chạm ngõ điện ảnh: Hồ Ngọc Hà, Hải Anh, Vi Cầm, hiện tại đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đang tiếp tục thực hiện phần 2 cho bộ phim này. Mong muốn tiếp nối câu chuyện thành công cũ, theo chia sẻ của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, chính vì hiện tại ông không tìm được kịch bản truyền hình nào đủ hấp hẫn - từ sau bộ phim Dốc tình cũng khá thành công vào năm 2005.

Hẳn nhiên, không phải bộ phim nào đã từng ghi dấu ấn cũng có thể làm lại. Với phim tâm lý xã hội có bối cảnh, nhân vật, quan điểm sống chỉ phù hợp với một giai đoạn nhất định thì việc làm lại khó phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, nếu không khéo léo làm lại từ khâu kịch bản.
 
Tuy nhiên, có những câu chuyện kể về con người của thế hệ trước nhưng vẫn có thể là góc nhìn chung cho cuộc sống, phát triển, tâm lý của những thế hệ sau vẫn hoàn toàn có thể được khai thác lại. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, khi nhìn lại bộ phim 12A và 4H - chuyển thể từ tác phẩm Vĩnh biệt mùa hè của mình - cho rằng câu chuyện về tuổi học trò, lý tưởng của người trẻ trong thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn phù hợp với giới trẻ hiện đại. “Nếu được làm lại, bộ phim sẽ được cập nhật đầy đặn hơn và là một bộ phim đáng xem” - nhà văn Nguyễn Đông Thức nói.

Thách thức không nhỏ

Nhiều đạo diễn nói rằng hiện nay rất khó tìm được kịch bản phim truyền hình thật sự hay, có giá trị. Nếu chấp nhận vai trò “làm thuê”, đạo diễn có tay nghề luôn có nhiều dự án phim nhưng nếu kiên định lập trường làm phim tâm huyết, chờ đợi kịch bản tâm đắc thì có khi hàng năm trời cũng không có một sản phẩm nào.

“Sẽ rất hay nếu chúng ta làm lại Ván bài lật ngửa, Đồng tiền xương máu… Thế nhưng, cũng phải thấy rằng khó khăn trước nhất ở góc nhìn của nhà sản xuất. Nhiều vấn đề phát sinh từ việc thuyết phục thế hệ trước, thương thảo mua bản quyền. Một mặt phải tạo niềm tin cho các bậc tiền bối về khả năng “không làm hư phim” bằng kiểu làm phim dễ dãi như hiện nay; mặt khác còn là nỗi lo về chất lượng phim khi trao kịch bản ăn khách một thời vào tay đội ngũ trẻ” - đạo diễn Phương Điền băn khoăn.

Biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ kể có ít nhất 2 hãng phim phía Bắc từng muốn làm lại kịch bản Ván bài lật ngửa. Nhưng đến nay, họ vẫn chưa bắt tay thực hiện được vì vấp phải khó khăn không chỉ về phương thức thể hiện mới mà còn cả kinh phí lẫn con người. “Làm lại phim đã từng ghi dấu ấn là thách thức lớn, không chỉ phải vượt qua cái bóng thành công của tác phẩm trước mà còn phải vượt qua cả những khó khăn hằng ngày của đơn vị. Hiện nay, mỗi hãng phim phải đối mặt với nhiều  thách thức để tồn tại, không dễ dàng gì đặt cược 5 ăn 5 thua cho một bộ phim làm lại. Nếu thất bại là xem như mọi công sức đổ sông đổ biển, thay vì vậy, họ đầu tư thực hiện những kịch bản mới sẽ tránh được rủi ro bị so sánh với bộ phim cũ” - đại diện một đơn vị sản xuất phim tư nhân bày tỏ.

Biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng nếu nghiêm túc muốn có những bộ phim hay được làm lại cần đặt hàng một số hãng phim lớn, có tiềm lực, chấp nhận rủi ro mới có thể bắt tay vào “cuộc chơi nghệ thuật” nhiều thách thức này. Nhiều ý kiến cho rằng nếu có sự khơi thông, chia sẻ đồng lòng, cùng gặp nhau ở “điểm chung tâm huyết” của những người làm nghề thì việc làm mới những bộ phim có giá trị là rất khả quan và chắc chắn được khán giả quan tâm.

Làm lại kịch bản sân khấu

Làm mới liên tục những kịch bản có giá trị phải kể đến điện ảnh Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Những bộ phim lịch sử của điện ảnh, phim truyền hình luôn được làm mới từng năm và phiên bản sau vẫn được người xem đón nhận bởi được cập nhật kỹ thuật hiện đại.

 Một tác phẩm có giá trị từ sân khấu cải lương - vở diễn Sông dài (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng) cũng vừa được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên (dài 39 tập, đạo diễn: Trương Dũng, sẽ được phát sóng lúc 21 giờ hằng ngày trên kênh VTV9, từ ngày 1-8), 2 vai chính sẽ do Vân Trang và Quý Bình đảm nhận.

Một đơn vị sản xuất phim tư nhân cũng cho biết đang đặt hàng viết kịch bản phim truyền hình chuyển thể từ những vở diễn kinh điển, ăn khách và sẽ triển khai thực hiện phim truyền hình trong năm 2014.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo