xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân hậu đài điêu đứng vì dịch

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Họ mong sao mình không bị bỏ quên trong đợt "giải cứu" của Chính phủ đối với người lao động mất việc làm do đại dịch Covid-19

Tác động của dịch Covid -19 đã khiến hàng trăm lao động sân khấu sống nhờ thù lao từng đêm diễn lâm vào tình cảnh thất nghiệp, sống cầm cự qua ngày chờ sàn diễn mở cửa trở lại. Chưa bao giờ công nhân sân khấu lại cảm thấy đời sống bấp bênh như hiện nay.

"Dịch kéo dài, không biết sống sao đây!"

Đó là lời than nghe nhói lòng của những người lao động (NLĐ) công nhật gắn kết với các đoàn hát tư nhân từ hát bội, cải lương cho đến kịch, xiếc, ảo thuật tại TP HCM. Trước khi thực hiện giãn cách xã hội, sàn diễn từ sau Tết đã rơi vào cảnh vắng khách. Khi sàn diễn buộc phải đóng cửa, công nhân hậu đài phần đông tham gia các nghề lao động tay chân nhưng chẳng thể làm được gì vì giãn cách xã hội. Họ thật sự rơi vào bế tắc.

Công nhân hậu đài điêu đứng vì dịch - Ảnh 1.

Lực lượng công nhân, phụ diễn sân khấu có cuộc sống hết sức nhọc nhằn khi không có tiền thù lao biểu diễn hằng đêm

Suốt 2 tháng nay, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Minh Hòa, hậu đài của Đoàn Hát bội Minh Hữu ở huyện Hóc Môn, gần như đảo lộn vì dịch Covid-19. Cách đây 3 năm, vợ chồng anh rời quê tỉnh An Giang lên TP HCM làm thuê cho đoàn hát bội tư nhân này. Chồng hằng ngày làm công việc hậu đài, còn vợ phụ nấu ăn cho đoàn, làm đồ phục trang cho thuê. Hai vợ chồng chịu khó "cày" cũng đủ trang trải cuộc sống, nuôi 2 con đang học tiểu học. Giờ cả nhà sống cầm cự trong căn nhà trọ diện tích 16 m2. Trước dịch, anh đi bán thêm vé số, chị làm nước sâm cho 2 con đi bán dạo nhưng khi giãn cách xã hội diễn ra, cả gia đình ngồi nhà sống nhờ gạo trợ cấp của địa phương để qua ngày.

Anh Nguyễn Văn Hậu - công nhân hậu đài của Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, quê ở Kiên Giang - 2 tháng qua vẫn cố gắng bám trụ tại TP HCM làm phụ hồ, kiếm được đồng nào hay đồng nấy với hy vọng sàn diễn sớm sáng đèn trở lại.

Gia đình anh Nguyễn Trường Lộc, hậu đài Đoàn Cải lương Minh Tơ, tâm sự: "Cả nhà tôi sống bằng nghề hậu đài, chế tạo đạo cụ, đóng vai quân sĩ, quần chúng cho sân khấu tuồng cổ. Không đụng mùa dịch thì có sô đi quay phim cải lương, đóng vai quần chúng cũng có cơm để ăn. Mùa dịch nên sân khấu đóng cửa, không nhờ gạo, thực phẩm của các nhà hảo tâm, cả nhà tôi nguy rồi".

Anh Nguyễn Xuân Hưng làm hậu đài kiêm phụ việc bưng bê dụng cụ biểu diễn cho các ảo thuật gia, mỗi suất được trả 30.000 đồng, mỗi đêm chạy sô ở nhiều nhà hàng, quán bar cũng kiếm được khoảng 210.000 đồng. "Nay nhà hàng đóng cửa, tiền cơm không có, tiền nhà trọ vẫn phải đóng dù chỉ 400.000 đồng/tháng. Hơn tuần qua, khi giãn cách xã hội được nới ra, tôi và vợ đi phụ hồ nhưng làm theo công trình, vài ngày thì hết việc, kiểu này sẽ đói nếu chưa tìm được việc làm" - anh Hưng buồn bã.

Chị Nguyễn Thị Thanh - làm nghề bán vé lô tô, giặt ủi phục trang cho đoàn hội chợ lô tô Yến Nhung - nói trong nước mắt: "Ba mẹ già yếu, tôi trở thành trụ cột của gia đình, chưa bao giờ tôi thấy gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đè lên vai như lúc này. Gánh lô tô nghỉ, chúng tôi phải rút về TP HCM, mỗi ngày đi xin gạo, thực phẩm ở các điểm cứu trợ về sống qua ngày, chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn. Cầm cự cả tháng nay, tôi đuối lắm rồi. Anh em hậu đài chuyên dựng rạp cho hội chợ lô tô, cho các gánh xiếc rong cũng đói kém, khổ lắm".

Chờ "phao cứu sinh"

Thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các sân khấu khiến những lao động tự do làm công việc hậu đài, kỹ thuật viên, phục trang, chuyên viên âm thanh, ánh sáng lao đao vì không có thu nhập. Hiện nay, ngoài Ban Ái hữu Nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu TP HCM tổ chức trao tặng gạo, tiền cho 14 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 4 đơn vị công lập, 10 đơn vị sân khấu xã hội hóa bao gồm các đoàn kịch tư nhân có lịch diễn cố định, còn có 2 nhóm nghệ sĩ tổ chức giúp đỡ công nhân hậu đài là nhóm NSND Lệ Thủy và nhóm của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, nghệ sĩ Kim Ngân. "Những phần quà hỗ trợ gồm gạo, thực phẩm, tiền nhằm cứu đói đối tượng là công nhân sân khấu, chuyên viên, nhạc công… Tôi mong có thêm nhiều nhóm tiếp ứng để giúp họ vượt qua khó khăn. Vì buông nghề hát ra, họ chẳng có nghề nghiệp nào để kiếm sống" - NSND Lệ Thủy mong mỏi.

NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho biết công nhân sân khấu thuộc nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ dành cho NLĐ bị nghỉ việc, mất việc, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo… Điều cần thiết hiện nay là các sân khấu lập danh sách công nhân, chuyên viên, kỹ thuật viên trình Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM để sở tham mưu cho UBND TP sớm giải quyết cho đối tượng này.

Mất việc làm do đại dịch Covid-19 kéo dài, đồng nghĩa với việc mất thu nhập dài hạn, công nhân sân khấu và những NLĐ công nhật của ngành nghề này đang rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và xã hội, đừng để ai trong số họ cảm thấy mình bị bỏ rơi. 

Nên chăm lo cho người lao động trong ngành

NSND Kim Cương bày tỏ: "Điều kiện để được hỗ trợ phải là những công nhân hậu đài đã gắn bó với các đoàn hát nhiều năm, không có hợp đồng lao động hoặc thu nhập thấp. Tôi nghĩ đây là lúc vai trò của Hội Sân khấu TP HCM cần quyết liệt hơn trong việc rà soát, lập danh sách NLĐ hoạt động trong ngành có sự tham gia của các đoàn công lập và xã hội hóa. Đây cũng là cơ sở để thực hiện BHYT cho NLĐ. Khi sự quan tâm được thể hiện bao quát, sâu rộng sẽ tránh gây ra những tổn thương đối với người nghệ sĩ cũng như công nhân ngành sân khấu đã cống hiến nhiều cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của TP".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo