xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải Mai Vàng 25 năm: Giá trị "vàng" của những ca khúc được tôn vinh

Thùy Trang

Phần lớn những ca khúc được tôn vinh tại Giải Mai Vàng không chỉ mang lại vinh dự cho tác giả mà còn tạo ra giá trị âm nhạc chuẩn mực, thúc đẩy sáng tạo, định hướng phát triển của thị trường ca nhạc sau đó

Nếu tính luôn 4 năm giải thưởng tiền thân của Mai Vàng (Bình chọn văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm) và trừ đi 2 năm không có giải cho hạng mục ca khúc, Giải Mai Vàng đã tôn vinh được 26 ca khúc được công chúng là bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn yêu thích nhất trong năm. Tất nhiên, vẫn còn một vài ca khúc đoạt giải chưa thật sự thỏa mãn sự yêu thích của toàn bộ khán thính giả, nhất là những năm gần đây nhưng đa phần được số đông công chúng và giới chuyên môn thừa nhận giá trị.

Giải Mai Vàng 25 năm: Giá trị vàng của những ca khúc được tôn vinh - Ảnh 1.

Ca sĩ Phương Thanh trình diễn ca khúc đoạt Giải Mai Vàng 1998 “Giã từ dĩ vãng” (Nguyễn Đức Trung) trong lễ trao giải diễn ra tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, ca khúc này cũng mang về Giải Mai Vàng “Nữ ca sĩ được yêu thích nhất” cho Phương Thanh năm đó. Ảnh: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Giá trị về tính xu hướng

Giới chuyên môn khẳng định các ca khúc đoạt Giải Mai Vàng có thể tiêu biểu cho xu hướng nghe nhạc của công chúng thay đổi qua các thời kỳ, bởi công chúng là người bình chọn cho các ca khúc này nên mỗi năm họ có sự chú ý và chọn lọc. "Có thể thấy những năm đầu (1995 - 1999), những bài hát đoạt Giải Mai Vàng là những tác phẩm chiếm lĩnh sóng phát thanh, truyền hình lúc đó, được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Những bài hát mang tính "chính thống" này tạo đà cho chương trình "Làn sóng xanh" trên sóng FM Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM bừng nở những đóa hoa âm nhạc sắc màu mới, chinh phục được con tim của khán thính giả cả nước. Hầu như những ca khúc trong trào lưu này của những năm sau đó (từ 2000 đến 2007) đều được công chúng yêu thích đề cử và trao Giải Mai Vàng" - nhạc sĩ Minh Châu nhận định.

Giải Mai Vàng 25 năm: Giá trị vàng của những ca khúc được tôn vinh - Ảnh 2.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trình diễn thành công ca khúc “Đánh mất” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (ca khúc đoạt Giải Mai Vàng 1997)

"Xem lại danh mục các bài hát đoạt Giải Mai Vàng, ta thấy rằng những năm cuối của thế kỷ XX thuộc về các nhạc sĩ đàn anh đã khẳng định tên tuổi trong giới âm nhạc cả nước: Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Nguyễn Nam, Nguyễn Đức Trung, Trần Tiến… Những bài hát trong giai đoạn này mang đậm tình yêu quê hương, tình yêu đồng đội, tình yêu gia đình. Đến năm 2000, bắt đầu sang thế kỷ mới, ta thấy các bài hát đoạt giải có khuynh hướng nhạc nhẹ mang tính thời đại do các nhạc sĩ trẻ lớp kế cận, được đào tạo bài bản, giỏi về chuyên môn và tiếp cận tốt với âm nhạc, thị trường sáng tác, như Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Lê Quang, Hồ Hoài Anh… Đây là những nhân tố đóng vai trò "hàng rào" bảo vệ âm nhạc Việt Nam trước làn sóng âm nhạc xô bồ, lai căng xuất hiện ồ ạt trên thị trường. Thế hệ này đã góp phần làm nên giai đoạn hoàng kim của âm nhạc Việt trong những năm 2000" - nhạc sĩ Tiến Luân nhìn nhận

Giải Mai Vàng 25 năm: Giá trị vàng của những ca khúc được tôn vinh - Ảnh 3.

Đan Trường trình diễn ca khúc đoạt Giải Mai Vàng 2003 “Giấc mơ màu xanh” (Lê Quang) trong lễ trao giải trên sân khấu Ca nhạc Lan Anh, ca khúc này cũng mang về Giải Mai Vàng “Nam ca sĩ được yêu thích nhất” cho Đan Trường năm đó. Ảnh: TƯ LIỆU BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

"Vàng thật"

Là người theo dõi Giải Mai Vàng ở nhiều vai trò: tác giả ca khúc đoạt giải, khách mời trao giải, đạo diễn âm nhạc cho lễ trao Giải Mai Vàng, nhạc sĩ Lê Quang khẳng định không tính 5 năm gần đây nhất do anh không theo sát thị trường nhạc Việt, những ca khúc được tôn vinh tại Giải Mai Vàng 20 năm trước đều là "vàng thật". Bởi những ca khúc đoạt giải đều có giá trị riêng trên thị trường âm nhạc, có chỗ đứng trong lòng khán giả khi nó mang đến cho người nghe những cảm xúc thật. "Giải Mai Vàng là sự ghi nhận của công chúng dành cho ca khúc. Nhưng hơn hết, khi đứng trên sân khấu nhận giải, nhạc sĩ cảm thấy mình trưởng thành hơn trong chính công việc mà người sáng tác theo đuổi. Đó không chỉ là lời khen của công chúng dành tặng mà còn đòi hỏi trách nhiệm của mỗi nhạc sĩ đối với đời sống âm nhạc mà mình đang góp phần xây dựng" - nhạc sĩ Lê Quang bày tỏ.

Gắn với Giải Mai Vàng trong vai trò thành viên Hội đồng tư vấn nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: "Các ca khúc đã từng được bạn đọc Báo Người Lao Động bình chọn yêu thích qua các mùa Giải Mai Vàng thể hiện sự đánh giá rất công bằng và chính xác của người thưởng thức. Cho đến hôm nay, khi nhắc đến tên những ca khúc đoạt giải rất nhiều năm trước, ai cũng biết và thuộc nằm lòng. Đó là những ca khúc xếp loại ăn khách trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động qua từng năm đã trở thành thước đo khá chính xác cho kênh thăm dò, lựa chọn bài hát hay qua "bộ lọc" của những người yêu âm nhạc trong cả nước".

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung thừa nhận những tác phẩm đoạt giải này có sự cân bằng giữa đánh giá chất lượng chuyên môn của người trong giới với sự yêu thích của khán giả, phản ánh đúng những nét đặc biệt trong âm nhạc từng thời kỳ, với sự tỏa sáng trong từng thời điểm của mỗi tác giả.

Khi đời sống ca nhạc Việt bắt đầu có những sân chơi mới, có sức lan tỏa rộng thông qua sóng truyền hình, internet… như "Bài hát Việt" (từ 2005); "Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc Việt Nam" (từ 2007), và các chương trình ca nhạc khác nối tiếp sau này… đã đem đến cho công chúng không khí ca nhạc mới mẻ, đầy sinh khí và thênh thang hơn trong sự lựa chọn. Vì thế, ca khúc cũng nở rộ ở nhiều sân chơi theo những tiêu chí khác nhau khiến ca nhạc không còn một dòng "chính quy" như trước nữa, xuất hiện đủ thể loại phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng, nhất là công chúng trẻ trong các chương trình giải trí… điều này khiến số lượng khán thính giả âm nhạc bắt đầu phân tán. Một bài hát đoạt giải có thể không phải là ca khúc được yêu thích của mọi đối tượng công chúng, thậm chí có sự tranh cãi trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, điều đó cho thấy sự quan tâm, lựa chọn của công chúng trở nên đa dạng hơn, cũng phản ánh một nền âm nhạc đa sắc màu hơn, biên độ rộng hơn…

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói: "Vài năm gần đây các bài hát được bạn đọc Báo Người Lao Động đề cử và bình chọn không còn nhiều sức hút và có sức lan tỏa rộng trong xã hội như các ca khúc đoạt giải trước đây, thậm chí có 2 năm (2015 và 2017) hạng mục Ca khúc bị loại khỏi vòng bầu chọn vì số phiếu đề cử quá thấp, không tìm được ca khúc nào tiêu biểu trong năm. Hy vọng rằng tình trạng này không lặp lại". 

Ca khúc đoạt Giải Mai Vàng

. "Tình ca cho em" (nhạc: Nguyễn Nam, lời: Phan Vũ - Nguyễn Nam)

. "Người mẹ của tôi" (Xuân Hồng)

. "Đánh mất" (Hoàng Hiệp, phổ thơ Thanh Nguyên)

. "Giã từ dĩ vãng" (Nguyễn Đức Trung)

. "Chị tôi" (Trần Tiến)

. "Dịu dàng sắc xuân" (Nguyễn Nam)

. "Tình thơ" (Hoài An)

. "Dòng máu Lạc Hồng" (Lê Quang)

. "Giấc mơ màu xanh" (Lê Quang)

. "Katy" (Đức Trí)

. "Ước mơ trong đời" (Đức Trí)

. "Dẫu có lỗi lầm" (Hồ Hoài Anh)

. "Chuông gió" (Võ Thiện Thanh)

. "Tình yêu diệu kỳ" (Nguyễn Hồng Thuận)

. "Nỗi buồn mẹ tôi" (Minh Vy)

. "Việt Nam 2020" (Lê Quang)

. "Căn phòng" (Bảo Lê)

. "Trăng bơ vơ" (Lâm Thái Hiền)

. "Tình về nơi đâu" (Thanh Bùi)

. "Bốn chữ lắm" (Phạm Toàn Thắng)

. "Mơ" (Vũ Cát Tường)

. "Đi tìm tình yêu" (nhạc ngoại, lời Việt: Đinh Trung Chính)..

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo