xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải Mai Vàng 25 năm: Thúc đẩy sáng tạo vở diễn sân khấu

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Việc có thêm hạng mục Vở diễn sân khấu trong Giải Mai Vàng mang ý nghĩa thúc đẩy sự sáng tạo, hướng đến những vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật, mang giá trị nhân văn

Từ mùa giải lần thứ 16-2010, Giải Mai Vàng có thêm hạng mục vở diễn sân khấu trong vòng đề cử và bầu chọn. Nhìn lại, 9 vở diễn được trao giải trong 9 năm qua, thể hiện niềm tin yêu của công chúng dành cho sàn diễn sân khấu sáng tạo nghiêm túc.

Sự đồng cảm giữa nghệ sĩ và công chúng

Giới nghệ sĩ sân khấu đều công nhận hạng mục bình chọn vở diễn được yêu thích nhất đã tác động mạnh mẽ đến nỗ lực tìm kiếm kịch bản và hình thức dàn dựng sáng tạo của họ. Sự chờ đợi kết quả giải thưởng mỗi năm về hạng mục này đã làm nên nhiều cảm xúc trong mỗi nghệ sĩ có vở diễn được đề cử tranh giải. 9 vở diễn được trao giải từ năm 2010 đến nay đều có mẫu số chung đó là sự đồng cảm sâu sắc giữa nghệ sĩ và khán giả yêu sân khấu dành cho mỗi vở diễn.

"Để có được sự đồng cảm đó, Giải Mai Vàng đã chạm đến điều mong mỏi chung của công chúng, đang cần nhiều hơn nữa những tác phẩm sân khấu hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Họ tiếp nhận tác phẩm sân khấu đoạt giải vì đã cho họ thêm những niềm tin trong cuộc sống. Trong thế giới ngày nay, mọi người dành quá nhiều thời gian để chỉ trích nhau, kích động sự sợ hãi và giận dữ ở người khác thông qua những trang mạng xã hội thì sự đồng cảm từ những vở kịch hay có thể là niềm an ủi đối với những nỗi sợ và cơn tức giận đó. Điểm lại những vở diễn được trao Giải Mai Vàng từ năm 2010 đến nay, chúng ta có thể tự hào vì các vở diễn đều mang ý nghĩa tích cực, hướng con người sống và cống hiến tốt hơn cho xã hội" - đạo diễn Trần Minh Ngọc ghi nhận.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thúc đẩy sáng tạo vở diễn sân khấu - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thành Lộc và diễn viên Dương Cường trong vở “Tiên Nga”

"Đặt mình vào vị trí của người khác, tinh tế và nhạy cảm với cảm xúc của họ để có thể giúp đỡ họ, định hướng họ thay đổi suy nghĩ, đó là chức năng của nghệ thuật. Chính sức lan tỏa của Giải Mai Vàng đã giúp nghệ sĩ tìm được sự đồng cảm đáng quý ở khán giả, chăm chút cho tác phẩm bằng sức lao động nghệ thuật chân chính của mình" - đạo diễn Ca Lê Hồng nói.

Theo nhà giáo Hà Quang Văn: "Sự đồng cảm của khán giả, thông qua Giải Mai Vàng, dành cho sân khấu là một cách mở lòng để đón nhận cảm xúc chân thật nhất. Nghệ sĩ tìm được sự đồng cảm ở khán giả từ nỗ lực làm vở của họ. Giải Mai Vàng làm tăng thêm mối liên kết giữa người sáng tạo nghệ thuật với người hưởng thụ. Đồng cảm là con đường hai chiều. Nó gắn liền với việc chia sẻ và tạo ra mối liên kết đầy cảm xúc".

Giải Mai Vàng 25 năm: Thúc đẩy sáng tạo vở diễn sân khấu - Ảnh 2.

Cảnh trong vở “Quyền lực của tình yêu”

Thủ pháp dàn dựng ấn tượng

Hầu hết các vở diễn đoạt giải tìm được chìa khóa sáng tạo hướng đến công chúng bởi giá trị nhân văn. Vở "Quyền lực của tình yêu" (tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Hữu Châu), trên Sân khấu IDECAF, được trao giải năm 2012, minh chứng rõ điều kiện tiên quyết để vở diễn thu hút người xem là phải có thủ pháp mới trong dàn dựng.

"Đây là lần đầu tiên một vở kịch thơ được dựng ở sân khấu kịch phía Nam. Vở diễn được đầu tư nghiêm túc từ kịch bản, dàn dựng, diễn xuất đến sân khấu, trang phục, âm nhạc và vũ đạo… Tôi đánh giá cao thủ pháp dàn dựng năm đó của nghệ sĩ Hữu Châu bên cạnh sự sáng tạo âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh, thiết kế sân khấu của họa sĩ Lê Văn Định. Chủ đề của vở kịch gói gọn trong câu nói của bà lão mù xem bói: "Hãy làm đàn ông trước đã. Làm đàn ông khó hơn cả làm vua. Quyền lực đàn ông không phải đứng trên thiên hạ mà là phải có trái tim yêu cho người đàn bà nương tựa". Vở diễn hoàn toàn xứng đáng được nhận Giải Mai Vàng" - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét.

Vở "Nửa đời hương phấn" của Sân khấu Hoàng Thái Thanh, do đạo diễn Ái Như dàn dựng, cũng có được thủ pháp tinh tế. Từ kịch bản cải lương nổi tiếng của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, khi chuyển thể sang kịch nói, đạo diễn Ái Như đã tạo được những tình huống kịch đan cài dồn dập hơn xung quanh cuộc đời của các nhân vật.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thúc đẩy sáng tạo vở diễn sân khấu - Ảnh 3.

Cảnh trong vở kịch “Nửa đời hương phấn”

"Bối cảnh vở được dựng đầy tinh tế, phục trang được chăm chút tỉ mỉ, âm nhạc như chất xúc tác đã đẩy cảm xúc lên cao trào. Tất cả điều đó làm nên một tác phẩm nghệ thuật giàu cảm xúc đối với người xem. Tôi nhận thấy đạo diễn Ái Như đã có những xử lý nghệ thuật đắt giá trong bản dựng của mình, cô đã phân tích nội tâm nhân vật sâu sắc để các vai diễn tạo được sự chân thật từ phía diễn viên. Dù là kịch bản cũ nhưng qua cách làm mới, có đầu tư, tâm huyết sẽ tìm được sự đón nhận của khán giả" - đạo diễn Trần Minh Ngọc phân tích.

Nhạc kịch "Tấm Cám" của đạo diễn Nguyễn Khắc Duy cũng được ghi nhận bằng Giải Mai Vàng sau nỗ lực mở đường cho sân khấu nhạc kịch đến được với khán giả hôm nay của nhóm kịch Buffalo. Trước khi vở "Tấm Cám" đoạt giải, nhóm kịch Buffalo được khán giả biết đến với những bản dựng nhạc kịch mang phong cách Broadway như: "Chicago", "Vũ nữ", "High school musical"...

"Nhưng chừng ấy chưa đủ với Buffalo nếu chỉ diễn kịch nước ngoài. Do đó vở nhạc kịch "Tấm Cám" ra đời, mang phong cách Broadway với câu chuyện cổ tích Việt Nam. Tôi thích cách dàn dựng của Nguyễn Khắc Duy, khi sân khấu mở ra với làng quê Việt Nam có cây đa, những hồ sen, con sông, bầu trời sao lung linh. Ở đó, có sự trình diễn của âm nhạc và những bước nhảy của diễn viên, mang đến một sân khấu rực rỡ được đầu tư kỹ lưỡng, vừa hiện đại về kỹ thuật nhưng đậm đà bản sắc Việt Nam. Giải Mai Vàng trao cho họ rất xứng đáng" - PGS- TS Trần Yến Chi, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhận xét.

Giải Mai Vàng 25 năm: Thúc đẩy sáng tạo vở diễn sân khấu - Ảnh 4.

Cảnh trong vở nhạc kịch “Tấm Cám” của nhóm kịch Buffalo

Còn với vở nhạc kịch "Tiên Nga", do nghệ sĩ Thành Lộc dàn dựng trên Sân khấu kịch IDECAF, có thể khẳng định đây là tác phẩm sân khấu đỉnh cao của sân khấu Việt Nam trong những năm gần đây, ở đó hội tụ đầy đủ những sắc màu sáng tạo, từ kịch bản sân khấu đến dàn dựng, diễn xuất và âm nhạc. Giới chuyên môn không tiếc lời ca ngợi còn khán giả háo hức muốn một lần được thưởng thức vở diễn. Dự kiến cuối tháng 8 này, vở sẽ tái diễn đợt thứ 5. Không chỉ được khán giả trao Giải Mai Vàng, vở nhạc kịch thuần Việt này đã được nhận giải Văn học nghệ thuật TP HCM - 5 năm một lần, do UBND TP HCM xét tặng, bởi có sức lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến người xem, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ đối với giới nghệ sĩ.

25 năm qua là chặng đường phát triển đậm dấu ấn của Giải Mai Vàng. Những vở diễn được trao giải luôn được nghệ sĩ sân khấu nói chung, cá nhân đạo diễn nói riêng xem là niềm động viên, là niềm hạnh phúc lớn đối với họ. "Chúng tôi đều tin rằng mỗi năm Giải Mai Vàng sẽ trao tặng giải thưởng cho một vở diễn tiêu biểu, xuất sắc nhất, từ sự bình chọn yêu thích công tâm của khán giả để vườn hoa nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng có thêm nhiều tác phẩm mới, hấp dẫn, sinh động" - nghệ sĩ Kim Cương nói. 

Những vở diễn sân khấu đoạt Giải Mai Vàng

"Ông ngoại, bà nội" (Sân khấu Nụ Cười Mới, năm 2010); "Quyền lực của tình yêu" (Sân khấu IDECAF - 2011), "Vua thánh triều Lê" (Sân khấu IDECAF - 2012), "Bông hồng cài áo" (Sân khấu IDECAF - 2013), "49 ngày yêu" (Sân khấu Ngọc Trinh - 2014), "Nửa đời hương phấn" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh - 2015), nhạc kịch "Tấm Cám" (nhóm kịch Buffalo - 2016), "Mẹ chồng rắc rối" (Sân khấu Thế Giới Trẻ - 2017), nhạc kịch "Tiên Nga" (Sân khấu IDECAF - 2018).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo