xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lọt vào “mắt xanh” hay “mắt đen”?

Hoàng Tuấn Công

“Mắt xanh” do hai chữ “thanh nhãn” 青 眼.

Lọt vào “mắt xanh” hay “mắt đen”? - Ảnh 1.

Tác phẩm "Thiếu nữ cầm quạt" của hoạ sĩ Nguyễn Nam Sơn

- “Hán Việt từ điển” (Đào Duy Anh) giải thích: “thanh nhãn 青 眼 - mắt xanh - Trọng thị người ta”.

- “Hán Việt tự điển” (Thiều Chửu): “thanh nhãn 青 眼 ⑤ coi trọng, Nguyễn Tịch 阮 籍 nhà Tấn 晉 tiếp người nào coi là trọng thì con mắt xanh, người nào coi khinh thì con mắt trắng, vì thế nên trong lối tờ bồi hay dùng chữ thùy thanh 垂 青 hay thanh lãm 青 覽 đều là nói cái ý ấy cả, cũng như ta nói xin để mắt xanh mà soi xét cho vậy”.

Vậy tại sao lại là “mắt xanh” chứ không phải “mắt đen”?

- “Từ điển Truyện Kiều” (Đào Duy Anh) giải thích rõ: “mắt xanh: Chữ Hán là “thanh nhãn”. Nguyễn Tịch đời Tấn khi tiếp người mình ưa thì nhìn thẳng nên để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mình ghét thì nhìn nghiêng (lườm) mà để lộ tròng mắt trắng. Ví dụ: Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”.

- “Điển cố văn học” (Đinh Gia Khánh chủ biên): “mắt xanh: Theo “Thông chí”, khi vui người ta thường nhìn thẳng, lòng đen nằm chính giữa nên mắt xanh; khi giận người ta nhìn nghiêng, lòng trắng lộ ra nhiều hơn cho nên mắt trắng ra. Từ đó, mắt xanh trỏ sự hài lòng, vừa ý. Lại theo “Tấn thư”, Nguyễn Tịch người đời nhà Tấn, khi tiếp khách, vừa ý với ai thì con mắt bèn xanh, ghét ai thì con mắt lộ toàn lòng trắng”. 

Trong bài viết “Mắt xanh” là gì? trên Báo Bình Định, ThS Phạm Tuấn Vũ cũng cho rằng “nhìn thẳng, tròng đen nằm chính giữa nên trong mắt có màu xanh”. Vấn đề đặt ra là tại sao chỉ Nguyễn Tịch khi “nhìn thẳng, tròng đen nằm chính giữa” thì trong mắt mới “có màu xanh”? Mặt khác, với người phương Đông, mắt đen mới thể hiện thiện cảm, còn dùng “mắt xanh” để tiếp đón thì khác nào dọa nạt?

Hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay chỉ giảng nghĩa và ví dụ về cách dùng. Ví dụ:

- “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “mắt xanh • d. [vch] con mắt; thường dùng để nói cái nhìn của người phụ nữ trong việc đánh giá hay lựa chọn người yêu: lọt vào mắt xanh của nàng ~ “Bấy lâu nghe tiếng má đào, mắt xanh chẳng để ai vào có không?” (Truyện Kiều)”.

- “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “mắt xanh • đt. Cặp mắt khi tỏ ra tử tế, trọng đãi một người nào: Đem mắt xanh ra tiếp khách”.

- “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức): “mắt xanh • Nói đãi người nào một cách biệt nhỡn, tỏ ý quý trọng <> Mắt xanh với bạn tri kỷ”.

- “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “mắt xanh • dt. Ngr. Mắt đẹp”.

- “Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên): “mắt xanh • dt. Mắt nhìn, biểu trưng cho sự đánh giá lựa chọn của người con gái: lọt vào mắt xanh của nàng”.

Như vậy, qua tham khảo khoảng 10 nguồn tài liệu, chúng ta vẫn chưa biết tại sao lại gọi là “mắt xanh” chứ không phải “mắt đen”.

Theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là trong tiếng Hán, “thanh” 青 còn có nghĩa là “màu đen” (hắc sắc 黑 色). Các cuốn từ điển, tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Trần Văn Chánh… không ghi nhận nghĩa này, nhưng ta có thể tìm thấy trong nhiều cuốn từ điển khác:

- “Hán điển” giải thích: “thanh nhãn: thanh là sắc đen. Thanh nhãn vốn trong “Tấn thư”, quyển 49, Truyện Nguyễn Tịch, khi yêu mến người nào thì nhìn bằng mắt đen. Khi nhìn thẳng, thì màu đen của nhãn cầu nằm ở chính giữa. Sau dùng “thanh nhãn” biểu thị sự yêu mến, hoặc coi trọng, cũng gọi là “thanh mục”, “thanh lãi”. - thanh mục: thanh, hắc sắc. Thanh nhãn ngữ xuất “Tấn thư. Quyển tứ thập cửu. Nguyễn Tịch truyện”: Tịch đại duyệt, nãi kiến thanh nhãn. Nhân chính thị thời hắc sắc đích nhãn cầu tại trung gian. Hậu dĩ thanh nhãn biểu thị hỉ ái hoặc khán trọng. Dã tác “thanh mục”, “thanh lãi”. 

- “Hán ngữ đại từ điển” ghi nhận “thanh” 青 chỉ màu sắc, ngoài nhiều gam màu như xanh lục, xanh lam, xanh cật trúc… còn có nghĩa là “màu đen”: “thanh: 4 màu đen” [青: 4. 黑 色 - thanh: 4. hắc sắc]; “thanh bạch nhãn: “mắt nhìn thẳng thì nhãn cầu mầu đen, nhìn ngược lên thì nhãn cầu màu trắng, gọi là “thanh bạch nhãn”: nhãn tình bình thị tắc kiến hắc nhãn cầu, thượng thị tắc kiến bạch nhãn cầu, thử vị chi “thanh bạch nhãn”.

Hai chữ “thùy thanh” 垂 青, mà tự điển của Thiều Chửu ví dụ, được “Hán ngữ đại từ điển” giảng rõ ràng như sau:

- “thùy thanh: Nói dùng thanh nhãn mà nhìn, biểu hiện sự trọng thị hoặc thân ái. Người xưa gọi mắt đen là thanh nhãn”. - thanh nhãn: vị dĩ thanh nhãn tương khán, biểu thị trọng thị hoặc kiến ái. Cổ nhân xưng hắc nhãn cầu vi thanh nhãn.

Trong tiếng Việt, “xanh”, ngoài chỉ sắc xanh với nhiều gam màu như trong tiếng Hán còn có nghĩa là sắc đen. Bài hát “Ngày trở về” (Phạm Duy) có câu: “Vì thương yêu anh nên ngày trở về /Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”. “Trâu xanh” ở đây được hiểu là trâu đen. Hay “tóc xanh” ngoài nghĩa chỉ mái tóc thanh xuân, còn có nghĩa là tóc đen, giống như trong tiếng Hán:

- “Hán ngữ đại từ điển”: “thanh ngưu: con trâu lông đen [青 牛 qīng niú. 1.黑 毛 的 牛 - thanh ngưu: hắc mao đích ngưu]; “thanh phát: tóc đen. Đời Đường, Mạnh Giao trong bài “Thu hoài” có thơ rằng: “Thanh phát như thu viên, nhất tiễn bất phục sinh” nghĩa là “Tóc đen như vườn thu, chỉ một nhát kéo là không thể xanh trở lại”.

Đáng lẽ nên hiểu “khi nhìn thẳng, tròng đen nằm ở giữa nên mắt có màu đen” thì các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển lại diễn đạt thành “khi nhìn thẳng, lòng đen nằm chính giữa nên mắt có màu xanh”, khiến vấn đề trở nên khó hiểu. Theo đó, sự kỳ dị của Nguyễn Tịch không phải là ông có “mắt xanh” mà là “mắt trắng”. Nghĩa là Nguyễn Tịch có thể trợn mắt (nguyên văn: thượng thị 上 視 - nhìn ngược), đẩy hết “hắc nhãn cầu” lên phía trên, lộ toàn bộ “bạch nhãn cầu” phía dưới, thành ra “mắt trắng”, thể hiện thái đội khinh ghét đối với người mình tiếp đón. 

Như vậy, trong tiếng Việt, “xanh” cũng còn có nghĩa là sắc đen. “Mắt xanh” được hiểu là “mắt đen”, với nghĩa bóng chỉ cái nhìn trọng thị, yêu mến. Theo đó, “xanh” ngoài nghĩa là: 1. Dụng cụ để xào nấu thức ăn; 2. Ông trời; 3. Có màu xanh lá cây, nước biển; 4. Chưa chín; 5. Tuổi trẻ…, thì với các từ như “mắt xanh”, “trâu xanh”, “tóc xanh”…, “xanh” hoàn toàn đủ điều kiện để các nhà biên soạn từ điển ghi nhận thêm một nghĩa nữa là sắc/màu “đen”. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo