xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những ước mơ từ con chữ

Bài và ảnh: Trầm Hương

Lắng nghe ước mơ của học sinh khiếm thị mới thấu hiểu một nỗ lực đi tìm ánh sáng từ trái tim đến trái tim

Một ngày đẹp trời, tôi nhận được điện thoại của nhà văn Trần Quốc Toàn. Anh nói có một độc giả đặc biệt nhờ anh chuyển cho tôi một lá thư. Tôi hơi lo, hỏi: "Nội dung gì vậy anh?". Nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi lấp lửng: "Đọc đi rồi biết", anh gửi lá thư qua messenger. Tôi chăm chú đọc:

"… Con tên là Nguyễn Nhọc Yến và con đến từ Câu lạc bộ Lắng Nghe của nhà văn Trần Quốc Toàn. Hôm nay con viết thư này gởi cô trước là hỏi thăm sức khỏe của cô và sau là mời cô đến với chúng con…".

Những ước mơ từ con chữ - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Quốc Toàn với các em khiếm thị tại Mái ấm Nhật Hồng

Lá thư của em học trò mù khiến tôi không ngăn được nước mắt. Tôi ngẫm ngợi rất nhiều về lá thư của em. Một sự ngây thơ chân thành. Một nỗ lực đi tìm ánh sáng từ trái tim đến trái tim. Một khát vọng thật đáng nâng niu. Một chuẩn mực từ giáo dục. Em học lớp 4 nhưng viết câu cú khá chuẩn và diễn đạt cảm xúc, thật đáng trân trọng. Tôi thầm nghĩ nhà văn Trần Quốc Toàn đã gieo được những hạt giống thật trân quý từ CLB Lắng Nghe cho trẻ em khiếm thị ở Mái ấm Nhật Hồng. Tôi gọi điện cho anh và nói tôi sẽ đến với các em bất cứ lúc nào.

Những ước mơ từ con chữ - Ảnh 2.

Tác giả tâm tình với các em khiếm thị ở Mái ấm Nhật Hồng, ngày 25-8-2019

Tôi chưa thấy ngôi trường nào có những học sinh ngoan như ở đây - lớp học CLB Lắng Nghe của Mái ấm Nhật Hồng. Em lớp trưởng cho biết CLB chỉ khoảng 20 em nhưng các em lớp nhỏ đều muốn gặp cô. Tôi xúc động vì sự đứng dậy đồng loạt và tiếng chào của các em đón tôi. Tôi chia sẻ với các em về những trở ngại, những rào chắn tôi phải vượt qua trong cuộc đời mình. Sau đó, tôi hát tặng và lắng nghe các em hát, đọc thơ do chính các em sáng tác. Tôi kinh ngạc vì bài thơ được viết theo yêu cầu của thầy Toàn, là mỗi cháu viết một câu lục bát tiếp theo các chữ cho trước "Nếu là một đốt trúc gầy/Tôi làm…". Và rồi 18 em trong CLB Lắng Nghe đã dệt nên một bài thơ:

"Nếu là một đốt trúc gầy/Tôi xin khắc họa người thầy hôm nay

Nếu là một đốt trúc gầy/Tôi làm bút viết lời hay cho đời

Nếu là một đốt trúc gầy/Mùa xuân đốt lửa gia đình đoàn viên

Nếu là một đốt trúc gầy/Xin làm gậy trúc dẫn đường cha đi...".

Lắng nghe, nhà văn Trần Quốc Toàn kiên nhẫn sửa từng câu thơ cho ý hay, từ chỉnh, gieo vần đúng thể thơ lục bát. Tôi thêm một lần kinh ngạc khi biết anh gắn bó với các em từ lâu lắm rồi. Anh cho biết mình đã đến với Mái ấm Nhật Hồng trên dưới 10 năm nay. Anh và những người thân trong gia đình tới đây như một hoạt động từ thiện, có vài đóng góp nhỏ, giúp các sơ nuôi dạy trẻ khiếm thị. Đặc biệt, từ nguyên mẫu các bé mù hiếu học, anh viết một truyện ngắn "Tấm bản đồ cơm khuyến học", trong đó có bé Hồng từ trung tâm trẻ khiếm thị dấn thân làm cô giáo một lớp xóa mù chữ cho trẻ bụi đời (truyện in trong sách "Lộc vừng hồ Gươm đường Trường Sa", NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016). Hè 2019 này, chị Hạnh (nguyên thủ thư thư viện Nhà Thiếu nhi TP HCM, người thường mời anh nói chuyện văn chương với độc giả của mình) đến Nhật Hồng làm từ thiện bằng cách mở ra lớp hướng nghiệp báo chí - văn chương cho các cháu, mời anh đứng lớp. "Tôi nhận lời và để tạo thêm hứng thú cho người học, tôi chuyển đổi lớp thành CLB Lắng Nghe, trong CLB đang hình thành ban nhạc Lắng Nghe. Vậy nói cho rõ, tôi làm việc thiện nguyện với Nhật Hồng đã lâu nhưng riêng lớp "lắng nghe" thì mới hình thành trong mùa hè 2019" - nhà văn Trần Quốc Toàn tâm sự.

Anh cũng biết cách khơi gợi tình yêu văn học tiềm tàng trong tâm hồn các em: "Khi mỗi cháu đã có giải pháp thơ ca của mình. Tôi tổ chức thảo luận, góp ý với yêu cầu cao hơn là cùng nối các ý thơ đã có thành bài thơ nói về cây tre Việt Nam mọc lên từ TP HCM".

Tôi gợi ý các em nói về ước mơ của mình. Nhà văn Trần Quốc Toàn bèn đặt ra câu đầu: "Tôi mơ rồi có một ngày...". Chỉ đợi có thế, các em hào hứng sáng tác ngay. Như ước mơ của Ngọc Yến: "Tôi mơ rồi có một ngày/Tôi xây nhà mới đón thầy về chơi". Em Hoàng Phú thì mơ có một ngày sẽ chăm lo được cho mẹ. Em Trâm mơ ước trở thành ca sĩ, có em mơ ước trở thành nhà văn, nhạc sĩ, kỹ sư máy tính... Em Huy ước mơ rồi có một ngày "thành mầm, thành lá, thành cây che đời". Tôi lặng người trước ước mơ rất giản dị của Châu, khi em mơ sẽ được gặp một người thương em, có một mái ấm hạnh phúc... Ôi những ước mơ thật đáng trân quý! Tôi nói với các em trong nước mắt: "Vâng, các em hãy ước mơ vì khi hướng đến ước mơ, các em sẽ hành động, sẽ nỗ lực và kiên trì để chạm đến giấc mơ. Chắc chắn các em sẽ gặp nhiều bất lợi, khó khăn hơn những con người may mắn có được đôi mắt sáng nhưng các em có được sức mạnh từ trái tim hướng thiện và trong sáng. Các em đang đi trên cuộc đời bằng thứ ánh sáng kỳ diệu ấy!". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo