xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Trial by Media": Những bản án của phiên tòa công luận

Huỳnh Trọng Khang

Chúng ta đang sống trong một thời đại bị bủa vây bởi quá nhiều thông tin

Nơi mà bản chất ẩn sau chiếc mặt nạ được truyền thông tô vẽ nên trong cuộc rượt đuổi những tin tức giật gân. Bám sát những phiên tòa có thật trong lịch sử, loạt phim tài liệu của kênh Netflix, "Trial by Media" (tựa Việt: "Truyền thông xử án"), đi sâu vào phân tích tác động của truyền thông đến kết quả của những vụ án gây rúng động dư luận.

Hơn 20 năm trước, ở Mỹ, trên chương trình truyền hình thực tế "The Jenny Jones Show", chàng thanh niên Scott Amedure công khai tỏ tình với người bạn thân dị tính của mình Jonathan Schmitz. Do Schmitz đã không được chuẩn bị và rơi vào trạng thái xấu hổ trước hàng trăm khán giả có mặt tại trường quay, 3 ngày sau đó, Schmitz đã tìm đến nhà của Amedure và hạ sát anh bằng một loạt đạn. Một tình bạn sâu đậm chấm dứt.

Amedure chết, Schmitz ra tòa nhưng mọi chuyện không chỉ có thế. Nước Mỹ bị chia rẽ, một mặt Schmitz là kẻ sát nhân nhưng mặt khác người ta coi cả Schmitz và Amedure chỉ là nạn nhân của chương trình "The Jenny Jones Show". Tác động của dư luận dẫn đến một phiên tòa chưa từng có tiền lệ khi một chương trình truyền hình cùng với nhà sản xuất bị kiện vì thiếu trách nhiệm dẫn đến cái chết thương tâm.

Trial by Media: Những bản án của phiên tòa công luận - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Trial by Media” Ảnh: NETFLIX

Phiên tòa cho phép truyền thông đến ghi hình, mở ra thời kỳ mà từng nhất cử nhất động từ bị cáo, nguyên cáo, luật sư đến chánh án đều biến thành những trò hấp dẫn cho hàng triệu khán giả. Phiên tòa đó không khác chi chương trình truyền hình thực tế không có kịch bản định trước…

Qua từng tập phim, khán giả có thể nhận ra sức mạnh to lớn của truyền thông trong việc dẫn dắt dư luận. Có thể biến một kẻ tội đồ thành anh hùng, biến vị trọc phú thành nhà thiện nguyện…

Bên công tố dù trưng ra rất nhiều bằng chứng, số liệu nhưng không thể khiến bồi thẩm đoàn hiểu. Trong khi bên bị với tài ăn nói, dẫn dắt đã gây được thiện cảm. Đỉnh điểm là trong lời bào chữa cuối cùng, luật sư đã đứng dậy giật lá quốc kỳ, quấn quanh mình và phát biểu một bài về lòng yêu nước, tinh thần Mỹ mà không chút liên quan gì đến vụ án.

Hơn cả một trò hề, với khả năng thao túng truyền thông, họ đã biến những phiên tòa trở thành màn trình diễn của những nhà hùng biện hơn là cố tìm ra sự thật. "Vô tội" và "có tội", bồi thẩm đoàn chỉ được chọn một, công lý chao đảo như một viên xúc xắc của truyền thông.

Bộ phim không chỉ có truyền thông (media) mà còn có cả những vụ án (trial). Những vụ án ở đây, thoạt tiên khán giả ngỡ tưởng có thể phân định ngay kết quả. Nhưng càng đi sâu vào phân tích, ta nhận ra vấn đề không chỉ gói gọn trong phải trái, đúng sai. Đó là việc con người dễ bị chi phối đến mức tâm trí lung lay giữa lằn ranh mong manh thiện và ác.

Sự bất lực, cảm giác mất niềm tin vào công lý là có. Nhưng nếu đã xem qua những bộ phim như "12 Angry Men", ta sẽ hiểu câu chuyện trong phòng bồi thẩm đoàn đi từ "vô tội" đến "có tội" và ngược lại khó khăn đến mức nào.

Sự tài tình của những nhà làm phim "Truyền thông xử án" là đã đem về hiện tại cái không khí sôi sục của ngày trước, thuở mà các vụ án vừa xảy ra, được dư luận quan tâm theo dõi. Với những cuộc phỏng vấn người trong cuộc, nó là cái ngoái nhìn với đủ những cung bậc cảm xúc hả hê lẫn tiếc nuối.

Sẽ có rất nhiều câu hỏi đạo đức còn đọng lại sau khi xem hết các tập phim này. Mọi vụ án mà các nhà làm phim lấy làm ví dụ đều đã kết thúc. Nhưng di chứng mà nó còn để lại vẫn dai dẳng. Cuộc đời họ vĩnh viễn chia ra thành hai nửa, đoạn đời trước vụ án và kể từ lúc có vụ án.

Như cô gái trong vụ hiếp dâm tập thể ở quán rượu, được truyền hình trực tiếp trên CNN, với danh tính công khai và những cuộc thẩm vấn tàn bạo. Dù cô giành phần thắng nhưng tinh thần không bao giờ hồi phục.

Thiết nghĩ, người làm truyền thông cũng nên xem loạt phim "Truyền thông xử án" ít nhất một lần. Để thấy rằng những bài báo, chương trình thời sự đôi khi với người làm báo chí, truyền thông hay thậm chí khán giả đó chỉ là những tin tức nhưng đối với nhiều người đó là những bản án được tuyên ngoài tòa, từ trước cả khi phiên tòa bắt đầu và sẽ còn ở lại rất lâu sau khi phiên tòa kết thúc. Đó là những bản án xét xử của giới truyền thông, trong cuộc rượt đuổi những tin tức giật gân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo