xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ươm mầm xanh vườn di sản (*): Bốn thế hệ giữ nghề hát bội

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Thực trạng thiếu diễn viên trẻ, già hóa nhân lực ở các sân khấu truyền thống, trong đó có hát bội, là rất đáng báo động

Khi dịch Covid-19 ập đến, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát bội càng thêm ngưng trệ. Đoàn Nghệ thuật Hát bội Ngọc Khanh chỉ có thể tranh thủ giữa các kỳ giãn cách xã hội để đi diễn ở các đình, miễu với thu nhập không đáng là bao. Tuy nhiên, hoạt động truyền nghề chưa bao giờ đứt gãy, nhờ đó mà gia tộc của NSƯT Ngọc Khanh đến nay đã có 4 thế hệ giữ nghề hát bội.

Bươn chải để nuôi nghề

Là đoàn hát bội xã hội hóa duy nhất còn hoạt động tại TP HCM, thương hiệu Ngọc Khanh đã tạo nhiều điểm son đậm nét qua các hoạt động truyền nghề, từ dự án "Vang vọng trống chầu" đến lớp học "Đường đến hát bội" nổi bật trong những năm 2019 - 2020. Ngay ở gia đình, NSƯT Ngọc Khanh tiếp nối mẹ là cố nghệ sĩ Ba Út tiếp tục ươm mầm cho con gái (nghệ sĩ Ngọc Bích), cháu nội (nghệ sĩ Khánh Minh), cháu ngoại (diễn viên nhí Hữu Khang). Bốn thế hệ nhiều năm qua dù sống trong muôn vàn khó nhọc vẫn chuyên cần trau dồi nghệ thuật.

Bắt đầu từ nghệ sĩ Ngọc Bích, sau đó Khánh Minh tiếp nối vững vàng, đứng ra lập thêm Đoàn Hát bội Khánh Minh để tưởng nhớ nghệ danh mà cậu được cố NSND Thanh Tòng đặt khi mới chào đời. Nếu Ngọc Bích là cô đào học từ mẹ sự đa dạng trong diễn xuất, vai đào nào cũng trải nghiệm và diễn xuất sắc thì Khánh Minh năm lên 10 tuổi đã dạn sân khấu, diễn vai nào ra vai nấy, giữ đúng chuẩn mực của nghệ thuật hát bội. Sau này Hữu Khang (sinh năm 2003) lại tiếp tục tỏa sáng, ngoài nghề hát, Hữu Khang còn giỏi việc thiết kế trang phục, đạo cụ sân khấu. Các nghệ sĩ nổi tiếng như Vũ Luân, Bình Tinh đều tín nhiệm khi giao Hữu Khang tạo hình nhân vật.

Ươm mầm xanh vườn di sản (*): Bốn thế hệ giữ nghề hát bội - Ảnh 1.

Cả gia đình NSƯT Ngọc Khanh biểu diễn tại Đường sách TP HCM trong chương trình giới thiệu về nghệ thuật hát bội

Cả gia đình bươn chải theo nghệ thuật, không như các đơn vị công lập có kinh phí để "nuôi quân", 2 năm qua cả nhà Ngọc Khanh sống nhờ hát đình nhưng dịch bệnh hoành hành nên coi như mất trắng thu nhập. Các đình, miễu buộc phải cắt hợp đồng vì dịch Covid-19 bùng phát, "con cháu tôi giờ chỉ trông chờ vào sự cứu trợ của các hội, đoàn từ thiện để sinh sống. Hầu hết nghệ sĩ hát bội có hoàn cảnh khó khăn, lo bữa nay chưa xong lại phải nghĩ đến bữa sau lấy gì mà ăn khi không đi hát" - NSƯT Ngọc Khanh xúc động.

Bà tự an ủi với niềm hạnh phúc, đó là dù cực khổ đến đâu thì con cháu vẫn say mê, chuyên cần học nghề. Không chỉ thế, Ngọc Bích, Khánh Minh, Hữu Khang vẫn luôn đồng hành với bà, tham gia truyền nghề, hỗ trợ những bạn trẻ đam mê hát bội. Nghệ sĩ Khánh Minh từng tâm sự: "Nếu không ai kế thừa con đường của bà nội tôi thì sau này còn ai theo học hát bội nữa. Bởi mỗi ngày trôi qua, bà tôi lại già đi, sức khỏe không còn như trước, hát bội sẽ bị thất truyền".

Nghệ sĩ Minh Khánh giờ đây khi lập đoàn riêng, mới hiểu nỗi niềm của bà nội. Gánh vác trọng trách ươm mầm cho những bạn trẻ hơn vẫn còn say mê hát bội. "Nhưng điều mà tôi lo nhất là các bạn trẻ dù đam mê hát bội nhưng họ lấy gì để sinh sống, để nuôi bản thân trước khi nuôi nghề" - Minh Khánh trăn trở.

Những bất cập cần điều chỉnh

Bức tranh chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống đang rất khó khăn, ảm đạm. Ngay cả khi nếu được Chính phủ thông qua gói hỗ trợ nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất thì cũng chỉ hỗ trợ được các nghệ sĩ đang giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn hạng 4, tức sẽ có rất ít nghệ sĩ thuộc diện được nhận hỗ trợ từ gói này. Những người thuộc diện hỗ trợ cũng chỉ được nhận trong 3 tháng với mức 1,8 triệu đồng/tháng. Trong khi các nghệ sĩ, nghệ nhân của các đơn vị xã hội hóa, cụ thể là những người đang trực tiếp truyền nghề cho những hạt nhân giỏi chịu nhiều thiệt thòi.

Giới chuyên môn cho rằng thực trạng bổ sung nguồn nhân lực cho sân khấu truyền thống đã khó khăn nay lại còn gian nan. Chính sự bất cập trong việc định hướng chiến lược đào tạo, cụ thể là ngân sách dành cho đào tạo cứ bị "công thức hóa" dẫn đến các trường có chức năng đào tạo để tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí học viên không có năng khiếu ca, diễn vẫn được nhận vào cho đủ số lượng. Học viên được cấp học bổng nhưng sau thời gian đào tạo, ra trường lại không vận dụng được vì nền tảng không vững. 

Trong khi các nghệ sĩ, nghệ nhân làm công tác truyền nghề thực thụ, nguồn đào tạo có sẵn những mầm non đủ tố chất làm nghề lại ít được quan tâm. "Chiếc bánh ngân sách cung cấp cho người thừa ăn nhưng lại không hữu dụng, trong khi người có thể làm nghề thì không có để ăn" - NSND Đinh Bằng Phi buồn bã khi nói về công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông, việc đào tạo một nghệ sĩ sân khấu truyền thống thường mất nhiều thời gian, công sức. "Thầy già con hát trẻ" xem ra không còn bao nhiêu người, vì những bậc thầy có đủ tâm, tài truyền nghề đều mất dần hoặc sức khỏe yếu. Còn việc dạy nghề diễn viên truyền thống, trong đó có nghệ thuật hát bội, hơn 15 năm qua chưa có một lớp chính quy nào, chỉ có đơn vị xã hội hóa Ngọc Khanh nỗ lực truyền nghề. 

"Nhưng rồi họ cũng sẽ mai một dần vì lấy gì ăn để nuôi nghề. Thầy đói, trò đói làm sao thực hiện hoài bão giữ gìn di sản của ông cha?" - câu nói quặn lòng của NSND Đinh Bằng Phi khiến những ai quan tâm đến thực trạng đào tạo nguồn nhân lực của sân khấu truyền thống đều xót xa.

Nguy cơ thất truyền

Từ năm 2014, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực của sân khấu truyền thống, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thực hiện dự án thí điểm cho phép một số đoàn nghệ thuật truyền thống tuyển sinh diễn viên, nhạc công để đào tạo trực tiếp theo kiểu nghề truyền nghề.

Thực tế, tình trạng thiếu diễn viên trẻ, già hóa nhân lực trong sân khấu truyền thống là rất đáng báo động. Trong khi các gia tộc có con em theo nghề, có thầy cô giảng dạy giỏi để đầu tư, đưa vào quy hoạch nhằm bổ sung, tiếp nối, làm mới những giá trị kế thừa, lại bỏ sót. Do đó, nếu cứ chậm trễ tạo cơ chế đặc thù, nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất truyền.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-8

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo