Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh
Nam ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời ngày 21-7 tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Wanbi Tuấn Anh từng chia sẻ bệnh tật hiểm nghèo của mình qua bài viết đăng trên Báo Người Lao Động online.
Wanbi kể lại từ giữa năm 2009, khi cha đột ngột qua đời, anh phát hiện thị lực của mình ngày càng kém. Sợ mẹ lo lắng, anh và người quản lý của mình âm thầm đi khám từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Từ một bệnh về mắt, các bác sĩ chẩn đoán anh có một khối u ở tuyến yên trong não, gây ảnh hưởng đến thị lực.
Cố ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Ảnh: NVCC
Dù bệnh tật nguy kịch nhưng Wanbi Tuấn Anh không tuyệt vọng mà trái lại, anh hết lòng trấn an, động viên người thân. Sự ra đi của anh khiến các ca sĩ cùng thời và các thế hệ đàn anh, đàn chị hết sức đau xót. Sau khi Wanbi Tuấn Anh mất, ca khúc Đôi mắt gắn liền với tên tuổi và giọng hát của anh đã được rất nhiều ca sĩ hát lại và vẫn được giới trẻ khắp nơi trên cả nước yêu thích.
Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời ngày 27-1 tại bệnh viện ở TP HCM vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi. Ông tên thật là Phạm Duy Cẩn, là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn có công trong việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam.
Sự nghiệp sáng tác của ông với số lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu giá trị về âm nhạc Việt Nam. Ông cũng từng là giáo sư nhạc ngữ tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: Trần Tiến Dũng
NSND- đạo diễn Hải Ninh
NSND - đạo diễn Hải Ninh, một trong những người đặt nền móng cho nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82 vào sáng 5-2 sau khi phải nhập viện vì tụt huyết áp và hôn mê sâu. Bệnh tình của NSND Hải Ninh đã kéo dài nhiều năm trước khi ông qua đời.
Nguyễn Hải Ninh (SN 1931, quê Thanh Hóa) tốt nghiệp lớp quay phim - đạo diễn đầu tiên của Việt Nam. Nói đến Hải Ninh, chúng ta nhớ ngay đến Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội…, những bộ phim kinh điển được thành hình ngay dưới mưa bom bão đạn trước năm 1975.
Tuy nhiên, đến phim Người chiến sĩ trẻ, xây dựng hình tượng người anh hùng diệt xe tăng Cù Chính Lan, đạo diễn Hải Ninh mới thực sự gây tiếng vang. Phim đã đoạt giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ I – 1970, nhận bằng khen của Hội Điện ảnh Liên Xô LHP Quốc tế Moscow 1965 và bằng khen của Đoàn Thanh niên Komxomon Liên Xô 1965. Tính đến nay, đạo diễn Hải Ninh đã thực hiện 3 phim tài liệu và 12 phim truyện, trong đó có 8 phim được giải thưởng lớn trong nước và quốc tế
NSƯT Hồ Kiểng
NSƯT Hồ Kiểng qua đời ngày 3-4 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP HCM do tái phát bệnh tim, hưởng thọ 87 tuổi. Suốt thời gian cuối đời, ông sống bằng quả tim nhân tạo nhưng luôn tất bật trên phim trường và làm việc không ngừng.
NSƯT Hồ Kiểng. Ảnh: internet
Một số bộ phim lão nghệ sĩ này tham gia tạo ấn tượng cho người xem: Đất Phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Cát bụi hè đường, Rừng xà nu, Hòn Đất, Ván bài lật ngửa... và gần đây nhất là Mùa hè lạnh. Dẫu đa phần ông đóng vai phụ nhưng với nét diễn cuốn hút, chân thật vẫn tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng. Đặc biệt, ông có thể hóa thân vào đủ dạng vai từ phản diện, ác bá cho đến lão nông hiền lành, yêu nước.
Nhờ vào khả năng diễn xuất đa dạng, năm 1992, NSƯT Hồ Kiểng được bình chọn là "Diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện".
Năm 1997, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là "Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim Việt Nam nhất".
NSƯT Văn Hiệp
Ngày 9-4, nghệ sĩ hài Văn Hiệp, người nổi danh với hàng loạt vai hài, đặc biệt là các vai trưởng thôn, đã đột ngột qua đời vì trọng bệnh. Nghệ sĩ Văn Hiệp được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Trước đó, nghệ sĩ này đã có thời gian dài mắc bệnh đại tràng nặng.
Cố NSƯT Văn Hiệp. Ảnh: Hoàng Lan Anh
Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, SN 1942. Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện, khán giả vẫn bắt gặp trong đó những nét hài hước, gây cười. Trước khi được yêu mến trong phim Người vác tù và hàng tổng, Văn Hiệp đã có biệt danh “ông đơn giản gọn nhẹ” nhờ vai ông đại tá “đơn giản gọn nhẹ” trong phim Ông già hồn nhiên của đạo diễn Trọng Liên. Cách diễn xuất “như không” của ông trước những khó khăn về thủ tục hành chính trong phân chia nhà cho cán bộ đã khiến rất nhiều tướng tá trong quân đội thích thú.
Sau này, khi đóng vai ông bí thư chi bộ trong Người vác tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn, đặc biệt là loạt tiểu phẩm về trưởng thôn, Văn Hiệp đã gắn tên tuổi của mình với hình ảnh ông trưởng thôn nhiệt tình, vui vẻ. Gần 50 năm gắn bó cả sân khấu và điện ảnh, Văn Hiệp chia sẻ với ông, là một nghệ sĩ bình thường, được khán giả yêu mến đã là hạnh phúc. Trước tình cảm yêu mến của nghệ sĩ và khán giả dành cho ông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông vào ngày 13-9.
NSND- đạo diễn Bạch Diệp
NSND Bạch Diệp, nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã qua đời ngày 17-8, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư, hưởng thọ 84 tuổi. NSND Bạch Diệp tên thật Nguyễn Thanh Tâm, SN 1929 tại Hà Nội. 16 tuổi, bà đã đi theo Việt Minh, tham gia tổng khởi nghĩa.
Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa - Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp năm 1963, bà đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay Trần Quốc Toản ra quân, phim nhận giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai.
Cố NSND Bạch Diệp - ảnh: Hồ Quang
Trong gia tài điện ảnh của NSND Bạch Diệp, hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại mẹ (đều do NSND Trà Giang đóng vai chính), được coi là những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhiều nhất. Ngoài ra, bà cũng còn nhiều tác phẩm khác: Người về đồng cói, Câu chuyện làng dừa, Ai giận ai thương...
Bà được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1997. 10 năm sau đó, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ. Bà là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô.
Nhà phê bình phim Roger Ebert
Roger Ebert- nhà phê bình phim danh tiếng, người đầu tiên đoạt giải Pulitzer trong lĩnh vực phê bình - đã qua đời ngày 4-4. Ông ra đi chỉ 2 ngày sau khi công bố bệnh ung thư tái phát. Roger Ebert từng được tạp chí Forbes năm 2007 miêu tả là nhà bình luận quyền lực nhất nước Mỹ. Ông có hơn 40 năm kinh nghiệm với những bài viết sâu sắc, thỉnh thoảng pha lẫn châm biếm và cả góc nhìn hài hước. Những bài phê bình của ông xuất hiện trên 200 tờ báo của Mỹ và trong năm 1975. Ông trở thành người đầu tiên đoạt giải Pulitzer trong lĩnh vực phê bình.
Roger Ebert nhận sao trên Đại lộ Danh vọng năm 2005. Ảnh: Reuters
Năm 2005, ông trở thành nhà phê bình phim chuyên nghiệp đầu tiên vinh dự nhận sao danh vọng trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Ông còn được nhận các học vị danh dự từ Đại học Colorado tại Boulder, Viện Điện ảnh Mỹ và Viện Nghệ thuật Chicago.
Roger bị mất khả năng nói và ăn bình thường sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp và tuyến nước bọt năm 2002, 2003 và 2006. Tuy nhiên, ông vẫn không ngừng làm việc. Sự ra đi của ông khiến giới điện ảnh Mỹ và cả Tổng thống Barack Obama không khỏi tiếc thương
Nam diễn viên Cory Monteith
Cory Monteith, nam diễn viên nổi tiếng với vai diễn Finn Hudson trong loạt phim truyền hình Mỹ ăn khách Glee, đã tử vong trong một khách sạn ở Vancouver (Canada) vào trưa 13-7. Nguyên nhân đột tử của anh khi mới 31 tuổi được xác định là do ngộ độc rượu và ma túy.
Tài tử điển trai của Glee ra đi khi chỉ mới 31 tuổi.
Cory Monteith được biết đến với các vai diễn trong bộ phim hài Monte Carlo (2010) cùng với các phim Final Destination 3, Deck the Halls và Whisper. Ngoài ra, anh cũng góp mặt với tư cách khách mời trong các phim The Simpsons, The Cleverland Show và Smallville. Năm 2009, diễn xuất trong phim truyền hình nhạc kịch hài Glee với vai chàng vận động viên bóng bầu dục Finn Hudson của Trường Trung học McKinley đã mở toang cánh cửa cho Cory Monteith tiếp cận làng giải trí Mỹ.
Anh từng đoạt giải Teen Choice Award cho nam diễn viên hài xuất sắc nhất với vai diễn này vào năm 2011. Ở Việt Nam, Glee được chiếu trên kênh Star World của hệ thống truyền hình cáp được nhiều khán giả trẻ ưa thích.
Trong thời gian đóng phim Glee, Cory đã hẹn hò với người bạn diễn trong phim là nữ diễn viên Lea Michele, do đó sự ra đi đột ngột của anh đã khiến cô bị tổn thương nặng nề. Sau khi Cory qua đời, Glee đã được tôn vinh tại nhiều giải thưởng và Liên hoan phim, trong đó có nhiều giải tại Teen Choice Awards.
Nam diễn viên Paul Walker
Nam diễn viên Mỹ Paul Walker, người thủ vai đặc vụ Brian O' Conner trong loạt phim hành động bom tấn Fast & Furious (tựa tiếng Việt: Quá nhanh, quá nguy hiểm) đã qua đời hôm 30-11 ở tuổi 40 do gặp phải một tai nạn xe hơi ở bang California - Mỹ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Paul tử vong do cộng hưởng đa chấn thương và bỏng nặng.
Paul Walker - ngôi sao tài hoa nhân ái nhưng đoản mệnh. Ảnh: Internet
Khi tai nạn xảy ra, anh và người bạn thân Roger Rodas đang trên đường đến dự một sự kiện từ thiện của tổ chức Reach Out Worldwide do Paul sáng lập để vận động quyên góp cho nạn nhân siêu bão Haiyan ở Philippines (Roger là người cầm lái). Chiếc Porsche của 2 người đã đâm sầm vào một trụ đèn giao thông rồi lao vào một gốc cây, bốc cháy ngùn ngụt ở Santa Clarita, California-Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thảm khốc này vẫn đang được điều tra nhưng cảnh sát đã loại bỏ khả năng Paul và Roger đang đua tốc độ, vì các camera theo dõi đoạn đường dẫn đến nơi xảy ra tai nạn không cho thấy bất kỳ chiếc xe đua nào.
Ngoài hoạt động diễn xuất, Paul Walker được biết đến như một trong những ngôi sao Hollywood tích cực làm từ thiện nhất. Anh đã lập ra quỹ Reach Out Worldwide để giúp đỡ những nạn nhân bị thiên tai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi anh qua đời, nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng của anh cũng vừa được hé lộ thêm, khiến người hâm mộ và đồng nghiệp càng thêm thương tiếc.